Đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu là thông tin nóng tuần qua
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cảnh báo thế giới việc làm thay đổi không ngừng, đề xuất lịch nghỉ Tết Tân Sửu, khó tìm lái tàu đường sắt đô thị, cụ bà xin thoát nghèo được khen thưởng…
Tuần qua, nhiều thông tin hấp dẫn được đăng trên Chuyên mục An sinh, Báo Dân trí.
Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực, diễn ra chiều ngày 16/9.
Chương trình được tổ chức lần đầu tiên với hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu Hà Nội cùng với hơn 70 điểm cầu tại các nước trong khu vực và với các đối tác.
Tại đầu cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham gia và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước…
Lịch nghỉ Tết Tân Sửu: Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ trước Tết 2 ngày
Hai phương án về số ngày nghỉ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đang được Bộ LĐ-TB&XH gửi lấy ý kiến các ban, bộ, ngành. Tổng số ngày nghỉ chính thức và cuối tuần dịp Tết này sẽ là 7 ngày.
Phương án 1: Nghỉ 2 ngày cuối năm Canh Tý và 3 ngày đầu năm Tân Sửu. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 07 ngày liên tục.
Phương án 2: Nghỉ Tết theo lịch “1 ngày cuối năm Canh Tý và 4 ngày đầu năm Tân Sửu” và không hoán đổi ngày nghỉ. Theo Phương án 2, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục…
Cụ bà xin thoát nghèo được khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước
Cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi), ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân là một trong 46 tập thể và 317 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Cụ Mơ từng khiến dư luận cả nước vô cùng cảm phục khi tuổi đã cao nhưng vẫn đạp xe đến UBND xã xin được thoát nghèo.
Trước đó, cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi), ở xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) - người từng đạp xe đến UBND xã xin thoát nghèo tiếp tục được khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước…
Thất nghiệp đi làm "cò đất", bất động sản thiếu nhân lực chuyên nghiệp
Bất động sản là lĩnh vực có nhu cầu về nhân sự rất lớn. Tuy nhiên thực trạng, nhiều "tay ngang" làm nghề theo kiểu "ăn xổi", thiếu nhân lực chuyên nghiệp.
Theo số liệu của Hội môi giới BĐS, cả nước hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề.
Nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo rất lớn trong lĩnh vực BĐS nhưng hiện nay chưa nhiều cơ sở đào tạo quan tâm. Người có nhu cầu theo nghề nghiêm túc cũng không dễ dàng tìm nơi theo học. Tại TPHCM, chỉ mới một vài trường chuyên nghiệp đào tạo nhân sự BĐS như Trường CĐ Xây dựng, Trung cấp Nông nghiệp...
Hơn 167.000 người đã được hưởng hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, tính đến ngày 15/9, toàn tỉnh có 167.644 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã được nhận hỗ trợ với số tiền gần 170 tỷ đồng từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính Phủ.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết: Chính sách hỗ trợ cho người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là chính sách thực hiện trong thời gian ngắn, số lượng đối tượng hỗ trợ khá đông, phạm vi hỗ trợ rộng và kinh phí hỗ trợ lớn…
Lái tàu đường sắt đô thị lương 15 triệu đồng/tháng, vì sao khó tuyển?
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Hành chính Tổ chức, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - cho biết: “Chỉ tiêu tuyển dụng lái tàu của toàn tuyến đường sắt đô thị số 3 , đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là 50 người, thế nhưng hiện tại, sau 7 tháng tuyển lái tàu mới chỉ nhận được 60 hồ sơ nộp dự tuyển”.
Được biết, khi tuyến đường sắt trên đi vào hoạt động, một số lái tàu sẽ được sẽ được công ty cử đi đào tạo nghề lái tàu ở nước ngoài. Khi làm việc, mức lương từ 13-15 triệu đồng/tháng và hưởng các chế độ, chính sách của doanh nghiệp nhà nước như ăn trưa, thưởng năng suất…
Trường nghề vẫn "đói" người học
Dù làm rất nhiều cách nhưng không ít trường nghề ở TPHCM vẫn trong tình trạng mong ngóng, "bói khó ra" nguồn học sinh.
Nhiều trường phải liên tục điều chỉnh các phương án tuyển sinh để phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, kéo dài thời hạn tuyển sinh... nhưng vẫn không ăn thua.
"Theo tôi, cần có sự phân luồng tuyển sinh rõ ràng hơn. Qua đó, giúp phụ huynh, học sinh nhìn vào thực tế năng lực và nhu cầu xã hội để có sự định hướng từ đầu cho con. Người học cần chọn ngành, hiểu ngành, hiểu mình trước khi chọn bậc học, trường học" - ông Lê Hồng Việt, Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn…
Doanh nghiệp nợ 4,5 nghìn tỷ đồng đóng bảo hiểm xã hội
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TPHCM, tính đến ngày 31/8, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn là 4,5 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số tiền nợ dưới 1 tháng là 1,7 nghìn tỷ đồng, nợ khó thu là 542,3 tỷ đồng. Số nợ bảo hiểm tăng so với tháng trước gần 0,2% và 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, Cơ quan bảo hiểm TPHCM đã thu tổng số tiền 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,08% so với tháng trước và tăng 5,56% so với cùng kỳ…
Cảm động câu chuyện nữ cán bộ trưởng thành từ trung tâm bảo trợ xã hội
Từng là trẻ mồ côi và được chăm sóc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội (xã Viên An (Ứng Hoà, Hà Nội)., khi đã trưởng thành, chị Nguyễn Thị Liên có mong muốn ở lại cống hiến để trả ơn công nuôi dưỡng.
Được Trung tâm tạo điều kiện nuôi nấng, ăn học và trưởng thành, chị Nguyễn Thị Liên đã chọn quay về gắn bó với nơi này. Với vị trí Trưởng phòng Y tế nuôi dưỡng, chị ước nguyện đem thật nhiều tình yêu thương đã được nhận đền đáp cho cộng đồng nơi đây…