Đề xuất không tăng hàng loạt "tuổi nghỉ hưu" trong công an nhân dân
(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng tuổi phục vụ trong công an nhân dân, tuy nhiên cần nghiên cứu lộ trình cho phù hợp.
Thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân chiều 27/5, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc nâng tuổi phục vụ của công an, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang.
Đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị cần làm rõ quy định "thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 1/1/2021 - thời điểm trước khi Luật Công an nhân dân sửa đổi lần này có hiệu lực", để đảm bảo tính thống nhất với Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đại biểu này lý giải, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật như sau: "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật". Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Về tuổi phục vụ với hạ sỹ quan, sỹ quan trong công an, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng cần nghiên cứu lộ trình tăng và tăng như thế nào cho phù hợp.
Đại biểu này cho biết: "Lực lượng công an làm việc rất vất vả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Độ tuổi 60 mà làm cảnh sát cơ động hoặc chiến đấu trong phức tạp, đấu tranh với lực lượng buôn bán ma túy, tội phạm phức tạp khác sẽ rất khó. Theo tôi cần phải nghiên cứu cụ thể việc tăng hạn tuổi phục vụ tùy thuộc vào từng đối tượng".
Về thời điểm tăng, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng dự kiến tăng hạn tuổi phục vụ trong công an nhân dân từ ngày 1/1/2021 là không phù hợp.
Mặc dù Nghị quyết của Trung ương có chủ trương tăng từ ngày 1/1/2021, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định Bộ luật Lao động. "Tuy nhiên, chúng ta đang bàn sửa đổi luật, cách thời điểm năm 2021 là 2 năm. Ở đây đặt vấn đề nếu 5 năm mới sửa đổi luật thì liệu có hợp lý hay không?
Thực tế cho thấy từ ngày 1/1/2021 đến nay, một số người đã nghỉ hưu. Quy định mốc thời gian từ ngày 1/1/2021 là không phù hợp. Có chăng luật này nên có thời điểm tăng từ khi luật có hiệu lực mới phù hợp", đại biểu này kiến nghị.
Theo dự thảo, quy định Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị trong sáng, có nguyện vọng thì Bộ trưởng Bộ Công an cho kéo dài thời gian công tác, nhưng không quá 62 tuổi với nam, và 60 tuổi với nữ.
Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng không nên trao quyền cho Bộ trưởng thực hiện kéo dài thời gian công tác, bởi căn cứ cho kéo dài rất định tính.
Liên quan đến vấn đề hưu trí, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang), lực lượng vũ trang nói chung có tuổi nghỉ hưu thấp, thời gian hưởng chế độ dài, nên ủng hộ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu.
"Tuy nhiên, trong Lực lượng vũ trang rất đặc thù, chứ không phải tăng hàng loạt. Tôi nghĩ có hai phương án xử lý, một là ban soạn thảo quy định rõ bộ phận tăng, chứ không phải tăng hàng loạt.
Phương án thứ 2 là chúng ta có thể tăng, nhưng trong đó có thể lựa chọn cho từng đối tượng. Ví dụ, cảnh sát cơ động năm mấy tuổi làm sao trấn áp được tội phạm còn trẻ", đại biểu Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012.
Đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019. Trong khi đó, Bộ luật Lao động được coi là "Luật gốc" về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung.
Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP cho phù hợp.