1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dạy nghề nông thôn ở Hà Nội: Khó nhất là tìm đầu ra

Triển khai được 7 năm, nhưng nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều cơ sở đào tạo nghề đã không còn mặn mà tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn vì chi phí thấp, ít học viên.

Một buổi thực hành làm nghề mây tre đan tại xã Yên Trung (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt
Một buổi thực hành làm nghề mây tre đan tại xã Yên Trung (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt

Chọn nghề theo kiểu vừa học, vừa làm

Năm 2016, TP.Hà Nội đã dành gần 70 tỷ đồng (tăng 156,9% so với năm 2015) cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ có 30.490 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tăng 141,7% so với năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Lan (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, sau khi tham gia lớp học nghề mộc dân dụng dành cho lao động nông thôn, tay nghề bà đã vững hơn. Đặc biệt, nhờ được học nghề, nâng cao tay nghề mà thu nhập của bà Lan đã tăng gần gấp đôi, trước kia bà chỉ làm phôi (sơ chế các đồ thủ công mỹ nghệ) được khoảng 2,5-3 triệu tiền công/tháng. Giờ mỗi tháng thu nhập của bà cũng được 5,5-6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được học những nghề phù hợp như bà Lan.

Ông Đặng Đình Huệ - Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây huyện cũng bám sát đặc thù, thế mạnh riêng của địa phương để mở các ngành nghề đào tạo phù hợp cho người lao động. Hai lĩnh vực nghề được các địa phương chú trọng là kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi...

Đối với nghề phi nông nghiệp, người lao động được khuyến khích học tin học văn phòng, may công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng, mây tre đan... Năm 2016, huyện đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 40 lớp cho gần 1.300 lao động. Trong đó, hơn 30 lớp học nghề nông nghiệp còn lại là học nghề phi nông nghiệp.

“Do đặc điểm là huyện có nhiều làng nghề nên việc dạy nghề thường bám sát các nghề như thủ công mỹ nghệ, như mây tre đan, may mặc. Như vậy, lao động vừa có thể học, vừa có thể làm. Sau học nghề lao động được nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã cho đẹp và thời trang hơn” - ông Huệ nói. Chính vì vậy, các lao động học xong thường có việc làm luôn.

Càng dạy, càng khó

Ông Huệ cho biết, hiện nay công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang gặp khó khăn. “Định mức chi quá thấp (chỉ từ 1,8 triệu đồng/học viên trên một khóa học 3 tháng) được ban hành từ năm 2011 đã không còn phù hợp. Ngoài ra, kinh phí hoạt động tổ chức chiêu sinh, tuyển chọn, tổ chức ở cấp xã không có nên họ không mặn mà” - ông Huệ nói.

Điều đặc biệt là công tác dạy nghề cho lao động ở nông thôn càng ngày càng khó khăn hơn, bởi theo ông Huệ, người lao động cũng không mặn mà với việc học nghề. Những nghề thiết thực như trồng rau, trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả thì lao động đã đăng ký đi học hết rồi. Việc tuyển sinh lao động đúng độ tuổi từ 18-35 tuổi rất khó, bởi phần đông các lao động đều đã được học qua một nghề nào đó, hoặc lao động cũng đi làm xa, không có nhu cầu học nghề.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, mặc dù việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác đào tạo nghề thời gian qua còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo còn thấp. Chia sẻ khó khăn với các địa phương, bà Nhàn cho rằng, khó khăn lớn nhất trong dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay là đầu ra. Hằng năm, thành phố luôn tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, đặt vấn đề thu hút lao động vào làm việc, nhưng nhu cầu tuyển dụng hạn chế.

Theo danviet.vn