Đầu xuân, ngư dân Nam Định ra khơi nhưng thu nhập giảm
(Dân trí) - Những ngày đầu xuân Tân Sửu, người làm nghề lộng (đánh bắt hải sản gần bờ) ở Nam Định đã gặp nhiều khó khăn: Lượng hải sản thu về ít hơn, giá bán lại thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Sau Tết, ngư dân ở các xã ven biển huyện Hải Hậu bắt đầu bước vào công việc thường ngày, đó là làm nghề lộng. Bắt đầu từ mồng 2 nhiều thuyền của ngư dân đã "xông biển" cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.
Để cho chuyến biển đầu năm suôn sẻ, ngay từ trước Tết Nguyên đán, ngư dân đã tu bổ lại thuyền, ngư lưới cụ. Nhiều thuyền lớn đánh bắt xa bờ dài ngày thì làm lễ nghi thức cúng "mở cửa biển"… cầu mong mọi điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, những người làm nghề lộng những ngày gần đây thời tiết không được mấy thuận lợi. Nguồn hải sản gần bờ những năm gần đây cũng không còn phong phú như trước, giá cả thì xuống thấp. Dù vậy, những người làm nghề lộng vẫn phải bám biển kiếm sống.
Ông Phạm Văn Hinh, xóm 9, xã Hải Lý, huyện hải Hậu cho biết, gia đình ông đã theo nghề lộng được hơn 20 năm. Ngày nào cũng vậy, cứ 2 giờ sáng, vợ chồng ông bật dậy, chuẩn bị ngư cụ để đi đánh bắt hải sản. Sau 7 - 8 tiếng đồng hồ lênh đênh ngoài biển, ông thu lưới dần và quay về bờ.
Từ hôm gia đình ông "xông biển" - mồng 4 Tết - đến nay, nhưng vẫn chưa trúng được chuyến nào lớn. Sản lượng hải sản thu về ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán cũng ở ngưỡng thấp.
Ông Hinh chia sẻ: "Những người làm nghề lộng, chuyến nào ra khơi đánh trúng mẻ cá, mẻ tôm… thì có lãi, không thì cũng hòa vốn, thậm chí không may mắn thì lỗ. Nhưng khó khăn thì cũng phải bám biển thôi, chứ cũng chẳng biết làm gì khác".
Nhiều ngư dân chia sẻ, những người làm nghề lộng chủ yếu đánh bắt cá khoai, bề bề (tôm thuyền), mực, sứa… Ảnh hưởng của thời tiết khiến nguồn thủy hải sản khan hiếm. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều quán ăn, nhà hàng cũng không có khách, sức tiêu thụ kém. Điều này kéo theo việc giá cả hải sản cũng giảm giá, khiến ngư dân đánh bắt cũng giảm hẳn thu nhập.
Theo như tính toán của các ngư dân, dù năm ngoái cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng giá hải sản vẫn còn cao như cá khoai bán 300 nghìn/1kg, thì năm nay còn 200 nghìn/1kg, bề bề từ 150 - 250 nghìn/kg thì năm nay còn 100 - 120 nghìn/kg, mực từ 100 nghìn xuống còn 80 nghìn/kg. Sứa thì rớt giá thê thảm, thậm chí không có người mua.
Với mỗi chuyến ra khơi, trừ tất cả các chi phí, ngư dân có thể thu về 300 - 500 nghìn đồng. Nhiều ngư dân còn cho biết, chưa kể đến việc lưới đánh bắt của thuyền còn dính phải tàu giã cào hoạt động gần bờ khiến lưới đánh bắt bị rách, thiệt hại cả chục triệu đồng.
Nhiều chuyến ra khơi họ phải đánh thuyền sang tận vùng biển của các huyện khác trong tỉnh hoặc sang tận vùng biển giáp tỉnh Thanh Hóa để đánh bắt hải sản. Hải sản sau khi thu về sẽ được thương lái mua tại biển hoặc chủ thuyền đem ra chợ bán.
Theo thống kê, toàn xã Hải Lý hiện có hơn 100 thuyền, mủng đánh bắt gần bờ; 21 thuyền đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 17 - 20m/chiếc. Những năm gần đây, đánh bắt nghề lộng không mang hiệu quả nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác, có thu nhập cao hơn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xóm 8, Hải Lý, cho biết, mặc dù công việc vất vả, dậy sớm, chịu gió lạnh, nguy hiểm ngoài biển, nhưng họ vẫn quyết tâm bám biển vì đó là kế sinh nhai.