Gia Lai:
Đầu xuân lên rừng hái hoa atiso, bỏ túi hàng chục triệu đồng
(Dân trí) - Mùa xuân, hoa atiso đỏ rực khắp các cánh rừng ở huyện Phú Thiện (Gia Lai). Bà con người Jrai ở đây rủ nhau đi hái lộc rừng, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Theo bà con nơi đây, không biết hoa atiso đã mọc trong những cánh rừng ở huyện Phú Thiện từ lúc nào. Loại cây này thường có ở xã Ia Piar, Ia Yeng, những nơi đất đai cằn cỗi, khí hậu khô nóng.
Hoa atiso được bà con hái để làm mứt, sirô, pha nước uống giải khát vì có vị chua đặc trưng và màu đỏ rất đẹp.
Hoa atiso rừng thường nở từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Hoa atiso hiện cũng đã được người dân trồng nhiều khắp Tây Nguyên.
Giữa trưa nắng gắt, chị Rmah H' Mưng (thôn plei Gok, xã Ia Piar) địu con lên rừng hái từng bông atiso. "Xưa nay, người dân mình không biết giá trị của loại hoa này nên toàn chặt bỏ cây để có đất làm rẫy. Những năm trở lại đây, đã biết được giá trị kinh tế của atiso nên mọi người giữ lại và trồng thêm để hái hoa bán cho thương lái", chị H'Mưng cho biết.
Đang trong thời gian nghỉ Tết, em Nay H'Hiền (thôn Plei Ksing, xã Ia Piar) cùng chị gái lên đồi hái hoa atiso về bán. Trong thời gian từ trưa đến chiều, mỗi người đã hái được gần chục kg. Số tiền bán nụ hoa atiso đủ giúp H'Hiền mua vé xe trở lại trường học sau kỳ nghỉ, trang trải học phí.
"Nhờ loài hoa rừng này mà em có thêm thu nhập để trang trải các chi phí học tập ở thành phố lớn. Trước đây, hái hoa về chưa biết cách làm sạch nên em chỉ bán được từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Bây giờ, em hái về và sơ chế sạch, bán cho thương lái, giá cao hơn, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg", em Nay H' Hiền chia sẻ.
Theo người dân địa phương, muốn hái được nhiều hoa atiso thì phải leo lên tận núi cao. Tuy nhiên, đường lên núi khá xa, núi dốc và dễ bị ong rừng đốt. Chính vì vậy, thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn mới đủ sức vào sâu trong rừng. Còn phụ nữ, con gái thường hái ở ven sườn đồi.
Anh Ksor Hoanh (trú tại thôn Plei Kte, xã Ia Yeng) - người nhiều năm leo núi hái hoa atiso cho hay: "Hái hoa atiso rất vất vả, phải leo lên núi dốc mới có nhiều. Bây giờ, người dân đi hái rất đông nên hoa cũng khan hiếm dần. Vào những ngày đầu năm, khi rảnh rỗi, mọi người lại cùng nhau lên núi hái hoa về bán. Trong khoảng 3 tháng mùa hoa nở, người dân bản địa cũng thu về từ 15 - 20 triệu đồng tiền bán hoa atiso".
Cũng theo anh Hoanh, hoa atiso rừng có vị chua hơn rất nhiều so hoa atiso nhà trồng. Khi hoa không được hái thì hạt atiso già đi và sẽ rụng xuống và có nhiều cây non mọc mới. Bà con hái hoa về đa số để bán, chỉ để lại chút ít làm mứt Tết, pha sirô, ngâm rượu…
Hoa atiso hái về được thương lái tại chợ thị trấn Phú Thiện đến tận thôn thu mua. Hái được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu. Bà con sáng đi hái thì chiều đã nhận "tiền tươi" nên ai cũng phấn khởi.
Bà Trần Thị Mơ (tiểu thương thu mua hoa atiso, huyện Phú Thiện, Gia Lai) chia sẻ: "Gia đình tôi có mảnh vườn trồng hoa atiso để bán nhưng lượng hàng không đủ để cung cấp ra thị trường. Trong lúc lướt mạng xã hội, thấy nhiều người đăng lên hoa atiso rừng nên tôi đến các làng để thu mua với giá 20.000 đồng/kg, nụ hoa đẹp, to sẽ mua với giá 25.000 đồng/kg".