Nam Định:
Đầu tư nuôi ốc nhồi, anh nông dân kiếm cả trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi phù hợp với môi trường sống ở địa phương, anh Diện (Hải Hậu, Nam Định) đã mạnh dạn mua ốc giống về thả. Nhờ nuôi ốc nhồi, mỗi năm gia đình anh kiếm cả trăm triệu đồng.
Sau một thời gian dài do tác động của các loại thuốc trừ sâu sử dụng trên đồng ruộng, nhất là thuốc diệt ốc bươu vàng, ốc nhồi hầu như vắng bóng trong tự nhiên và trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi vẫn lớn.
Nắm bắt được điều đó, anh Phạm Văn Diện (SN 1988), xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định, đã tìm hiểu về cách nuôi ốc nhồi để làm giàu. Đầu năm 2017, được người quen giới thiệu, anh sang tỉnh Thái Bình tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi
Qua tham quan mô hình thực tế, anh Diện đã bàn bạc với gia đình cải tạo lại ao nuôi rộng khoảng 720m2 và đầu tư 3 vạn ốc giống với số tiền là 15 triệu đồng về thả ở ao. Lần đầu nuôi ốc, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ốc còn yếu nên ốc giống bị chết nhiều.
Dù thất bại ở lứa nuôi ốc đầu tiên, nhưng anh Diện vẫn không nản lòng, anh tự động viên mình "thất bại là mẹ của thành công". Cũng từ thất bại lứa nuôi ốc đầu tiên, anh đã rút ra được những kinh nghiệm cần thiết khi nuôi ốc.
Bước vào lứa ốc thứ 2, anh Diện rút hết nước trong ao, làm sạch bèo, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới bơm nước vào ao ở mực nước 60 đến 100cm để giữ độ an toàn cho ốc.
Sau đấy, anh mạnh dạn tăng số lượng ốc giống nhiều hơn so với lúc mới tập nuôi. Đồng thời, anh cũng chú ý đến nguồn thức ăn cho ốc không nên dư thừa để làm ô nhiễm môi trường sống của ốc…Nhờ vậy, ở lứa thứ 2, ốc phát triển tốt và có lãi.
Sau 3 năm làm "bạn" với ốc nhồi, đến nay anh đã mở rộng diện tích nuôi ốc lên đến gần 1 mẫu Bắc bộ; trong đó có 6 sào mặt nước được chia làm 3 ao nuôi. Hiện trong ao của gia đình anh Diện lúc nào cũng có khoảng 1,5 vạn ốc bố mẹ; trên 10 vạn ốc thương phẩm và khoảng 20 vạn ốc giống.
Với quy mô 6 sào mặt nước, mỗi tháng gia đình anh Diện cung cấp ra thị trường từ 5 - 7 tạ ốc thương phẩm (khoảng 3 vạn con) với giá bán 100.000 đồng/kg; hơn 15 vạn ốc giống với giá bán từ 2 - 5 triệu đồng/vạn, tùy theo kích thước. Tính chung cả năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Diện thu lãi gần 400 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc, anh Diện cho hay, ốc nhồi có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh; nuôi ở môi trường ao tự nhiên là hiệu quả nhất. Mật độ nuôi khoảng 80 - 100 con/m2; tuy nhiên có thể nuôi đến 150 con/m2 nếu tay nghề vững.
Do ốc chịu nóng kém, ốc sống tốt, phát triển và sinh sản ở nhiệt độ từ 20-32 độ C, nên ao nuôi cần thả bèo cái hoặc che lưới tạo bóng râm cho ốc trú ngụ. Ốc mẹ chủ yếu đẻ trứng vào ban đêm và đẻ rộ từ tháng 4 - 9 âm lịch.
Chỉ sau 4 tháng kể từ khi ốc đẻ trứng là trọn vẹn một quy trình sinh trưởng, đã có thể xuất bán ốc ra thị trường với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg. Những tháng cuối năm, ốc bố mẹ bắt đầu ngủ đông, không cần ăn uống gì cả.
Anh Diện chia sẻ: "Đối với ốc bố mẹ, sau 2 - 3 năm đẻ trứng liên tục thì cần loại bỏ, thay ốc bố mẹ hậu bị để cải thiện chất lượng con giống. Về ốc thương phẩm, khoảng hơn 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao lớn là có thể thu hoạch".
Tuy nhiên nếu nuôi kéo dài đến 4 - 4,5 tháng thì chất lượng ốc sẽ nâng lên, già hơn, ngon hơn và to hơn. Sau 2 lứa nuôi ốc thương phẩm, cần vệ sinh lại ao nuôi, tạo môi trường sạch cho ốc sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh…
Nắm bắt được nhu cầu thị trường và nhờ có kỹ thuật nuôi ốc truyền cho nhau, nhiều hộ dân ở Nam Định hiện nay đã mạnh dạn chuyển đổi nuôi cá nước ngọt, cải tạo ao vườn sang nuôi ốc nhồi thương phẩm.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 hộ nuôi ốc nhồi thành công. Trong đó có gần chục hộ nuôi ốc quy mô lớn hàng vạn con ốc mỗi lứa, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.