1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đau đầu vì nhân lực

Trong số hơn 250.000 lao động đang làm việc tại các KCX-KCN TPHCM, có đến gần 70% là người nhập cư, kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết

“Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Công ty phải bỏ ra hàng trăm ngàn USD để đưa người lao động đi đào tạo lại vì nguồn nhân lực tuyển vào không đáp ứng được nhu cầu công việc”. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Công ty MTEX Việt Nam (KCX Tân Thuận - TPHCM), cho biết như vậy tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP vào chiều 21/2.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, chi phí trả cho nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam ngày càng cao không chỉ làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn mà còn là một trở ngại lớn trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng:  “Lương tối thiểu cho công nhân làm việc ở các công ty nước ngoài tăng cao hằng năm. Vào năm 2006 chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, giờ đã tăng lên trên 2,35 triệu đồng/tháng; các khoản tiền bảo hiểm cho người lao động cũng tăng từ 17% lên 23% trong khi chất lượng thì không tăng”.

Lao động của Công ty Nidec Copal (KCX Tân Thuận - TPHCM) 
Lao động của Công ty Nidec Copal (KCX Tân Thuận - TPHCM)  ít biến động nhờ các chính sách chăm lo của doanh nghiệp.
 
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu nhân lực lành nghề, ông Hồng Hán Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pepperl + Fuchs Việt Nam, cho biết để có được đội ngũ 100 kỹ sư và 300 công nhân làm việc như hiện nay là điều không dễ dàng. Mỗi năm, công ty phải chi khoảng 200.000 USD để đào tạo lại hoặc đưa nhân viên đi học ở nước ngoài. Hiện công ty đã có kế hoạch rót vốn thêm 30 triệu USD cho nhà máy thứ hai nhưng có khả năng sẽ không thực hiện vì không được hưởng ưu đãi thuế cho phần đầu tư này và nan giải vấn đề nhân lực. “Để tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào TPHCM, lãnh đạo TP cần hỗ trợ các đơn vị đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo để nguồn nhân lực đầu ra có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Hồng Hán Thành kiến nghị.
 
Theo lãnh đạo các KCX-KCN TP, dự kiến trong năm 2013, các doanh nghiệp cần thêm 30.000 lao động. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực bảo đảm đủ “lượng và chất” là điều không đơn giản.
 
Mất lao động do chính sách
 
Tại buổi làm việc nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề với lãnh đạo TP về việc thiếu quỹ đất xây dựng nhà lưu trú, nơi vui chơi giải trí; đặc biệt là nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con công nhân. Đại diện một doanh nghiệp có trụ sở ở KCX Tân Thuận cho hay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nữ công nhân đã thôi việc chỉ vì không tìm được nhà trẻ cho con. Gửi con ở ngoài chi phí cao nhưng phải đón sớm nên công nhân không thể tăng ca.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, cho biết khi TP xây dựng các KCX-KCN chỉ nhằm thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân TP chứ chưa tính đến chuyện thu hút dân ngoài tỉnh. Sau 20 năm hoạt động, giờ đây, yêu cầu cấp bách nhất lại chính là nhà lưu trú cho công nhân và nhà trẻ vì hiện nay, trong số hơn 250.000 lao động đang làm việc tại các KCX-KCN TP, có đến gần 70% là người nhập cư. Để khắc phục, Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM đề xuất UBND TP cấp đất tại các vùng cách ly cây xanh trong các KCN để xây dựng trường mầm non. “Lãnh đạo UBND quận 7 vừa cho biết trong năm 2014 sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng nhà trẻ phục vụ con công nhân KCX Tân Thuận. Nếu được vậy thì đó là một điều đáng mừng”- ông Nguyễn Tấn Định kỳ vọng.
 
Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp
 
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết dự báo năm 2013, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý, lường trước những khó khăn để đưa ra kế hoạch sản xuất cũng như những giải pháp kịp thời để duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Năm nay, TP sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như: tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Trường Hoàng - Phan Anh
NLĐ