"Đất hứa" chạy nước rút để giữ chân, hút lại lao động di cư
(Dân trí) - Trước thực trạng dòng lao động đến TPHCM có xu hướng giảm, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia cho rằng cần đầu tư dài hạn để thu hút và giữ chân lao động giỏi gắn bó với thành phố.
Doanh nghiệp tăng lương, thêm phúc lợi
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc, báo tin vui đầu năm, doanh nghiệp đã có được những thành công đầu tiên trong kế hoạch giải bài toán khó về nhân sự.
Ban lãnh đạo nhận ra, để níu chân lao động ở lại nhà máy nói riêng, thị trường lao động của thành phố nói chung, chỉ trả lương cao là chưa đủ.

Để giữ chân lao động di cư gắn bó với thành phố, cần sự nỗ lực của cả chính quyền, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
"Dù đang trong tình thế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất. Công ty cũng cam kết đảm bảo thu nhập, quyền lợi cho người lao động, tân trang không gian làm việc sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi, để từng bước thu hút nhân công quay trở lại nhà máy", ông Sơn chia sẻ.
Điều khiến đơn vị bất ngờ nhất là khi người lao động được đảm bảo tài chính, có một môi trường làm việc tốt, năng suất làm việc tăng, khách hàng cũng dần tin tưởng. Cứ thế, đơn hàng dễ dàng tăng một cách nhanh chóng, đơn vị cũng dần tuyển được người mới.
"Từ lâu công ty đã áp dụng quy định cho người lao động hưởng thu nhập dựa trên năng suất làm việc, nghĩa là những ai chăm chỉ, tay nghề và năng suất cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, chọn ở lại lâu dài hơn. 80% công nhân tại nhà máy đều là thợ may giỏi, có thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng, cao nhất là hơn 20 triệu đồng", ông Sơn nói.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony khẳng định những lao động có tay nghề, chuyên môn giỏi, hầu hết sẽ chọn ở lại thành phố để phát triển, gắn bó lâu dài. Lao động chưa phù hợp chọn trở về quê là chuyện tất yếu.

Ngoài thu nhập, người lao động di cư cần hỗ trợ và cải thiện nhiều mặt trong đời sống và công việc (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
Thời gian qua, nhà máy của ông Quang Anh liên tục tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo quan sát của ông, lực lượng nhân sự tại đây rất ổn định, thu nhập 15-20 triệu đồng/người/tháng, một phần nhờ áp dụng cơ chế tính lương dựa trên năng suất.
"Chúng tôi còn đảm bảo cơ chế làm việc thông thoáng, chẳng hạn như cho phép công nhân đi làm trễ nếu có việc riêng, cho đi đón con rồi quay về làm việc tiếp…
Thu hút, giữ chân nhân tài gắn bó với thành phố
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, mặc dù số lượng người di cư đến TPHCM giảm, nhưng đáng mừng là người di cư có trình độ học vấn cao, thu nhập bình quân và tỷ lệ tiền gửi về quê đang có xu hướng tăng.
Việc dịch chuyển lao động cũng tạo động lực cho các địa phương lân cận phát triển kinh tế, cân bằng phân bổ dân cư.
Để giữ chân lao động giỏi gắn bó với thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố cần được xem xét và điều chỉnh.
Theo nghiên cứu "Di cư đô thị và hiệu ứng đến công nhân lao động ở TPHCM hiện nay" của Trường Đại học Sài Gòn), hiện tượng di cư vào thành phố cho thấy những tồn tại, hạn chế với thị trường lao động tại đô thị lớn nhất nước.
Trong đó, TPHCM luôn phải đối mặt với tăng dân số cơ học, quá trình di cư ở TPHCM vẫn tiếp diễn và tác động làm chuyển dịch lao động theo khu vực ngành kinh tế, khiến thành phố tăng dần cơ cấu lao động sang công nghiệp và dịch vụ. Nhìn chung, nhu cầu về tiêu dùng các dịch vụ tăng lên đã làm cho khu vực này phát triển nhanh chóng. Chính điều này đã thúc đẩy sự chuyển dịch lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Lao động di cư đóng góp nhiều mặt cho thành phố (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
Ngoài ra, hiện tượng di cư được nhận định vẫn đang bổ sung nguồn lực lao động hợp lý, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, góp phần mở rộng và phát triển không gian đô thị.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, bối cảnh nhân khẩu và xã hội đã thay đổi đáng kể, đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy phát triển.
Ông Lộc nhấn mạnh, các đơn vị cần xây dựng chiến lược đào tạo bài bản, gắn với nhu cầu thực tế của nền kinh tế và các thị trường quốc tế khó tính, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu mới về thương mại, quyền lợi lao động và môi trường ngày càng khắt khe.
Khi được hỏi về kỳ vọng của bản thân đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, 3 nhu cầu hàng đầu mà người lao động muốn được hỗ trợ đều liên quan đến tài chính: Giảm chi phí điện nước, hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ người lao động lớn tuổi và lao động nữ.
Trong chiến lược lao động - việc làm đến năm 2030, UBND TPHCM dự kiến hình thành mô hình liên kết đào tạo dạy nghề miễn phí giữa Đại học Quốc gia TPHCM với các doanh nghiệp.
Thành phố cũng định hướng xây dựng các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động trung niên, đảm bảo người lao động lớn tuổi duy trì được công việc.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, dân nhập cư. TPHCM cũng đang nghiên cứu chính sách kết hợp công tư để mở rộng lưới an sinh xã hội đến các nhóm lao động từ những tỉnh khó khăn.