1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần phải bám sát thực tiễn

Chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020 là không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần phải bám sát thực tiễn

Tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cho rằng vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất.

Theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề từ năm 2010 - 2016. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% trong năm 2009 lên 53% vào năm 2016.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn. Sau đào tạo, ít nhất 80% học viên sẽ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất và thu nhập cao hơn.

Trong 6 năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được 2 Bộ quan tâm, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo đào tạo nghề nông nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề phi nông nghiệp. Chất lượng đào tạo được đánh giá khá tốt nhưng những bất cập ở cả hai yếu tố gồm cơ cấu nghề và số lượng người học chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương dẫn tới tình trạng nơi thiếu thì vẫn thiếu trong khi nơi thừa thì vẫn thừa.

Để bàn luận sâu hơn về chủ đề này, chương trình Vấn đề hôm nay đã mời tới trường quay Tiến sĩ Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo VTV.VN