Quảng Nam:
Đào tạo cán bộ giữ rừng chuyên nghiệp
(Dân trí) - Hàng chục học viên là cán bộ bảo vệ hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam được đào tạo thành những người giữ rừng chuyên nghiệp.
Ngày 2/4, trường Cao đẳng Quảng Nam và UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức khai giảng lớp Trung cấp lâm nghiệp khóa 47 (2022-2024). Đây là khóa học đầu tiên đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My với 47 học viên theo học.
Đặc biệt, tham gia khóa đào tạo này hầu hết là nhân viên, cán bộ đang công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My. Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My đang quản lý hơn 54.000 ha rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho hay hiện đơn vị có 165 nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng. Đơn vị cũng đã thành lập 21 chốt bảo vệ rừng trên địa bàn 10 xã của huyện.
Theo ông Hiền, do mặt bằng chung, trình độ học vấn của những nhân viên giữ rừng hiện chưa cao; nhiều nhân viên được đơn vị tuyển dụng chỉ học đến hết lớp 9. Do điều kiện đặc thù, việc tuyển nhân viên có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp hay trình độ cao hơn rất khó.
Để nâng cao trình độ cho những nhân viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, đơn vị đã liên hệ với trường Cao đẳng Quảng Nam mở lớp Trung cấp lâm nghiệp nhằm nâng cao trình độ năng lực cho số nhân viên mới học đến lớp 9, đồng thời tạo điều kiện nâng cao mức lương để đảm bảo cuộc sống.
Hiện mỗi nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Nam Trà My có mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/tháng, trong đó gồm lương, hỗ trợ công tác phí; các loại phí như BHYT, BHXH, Công đoàn… được đóng đầy đủ. Ngoài ra, mỗi cán bộ, nhân viên có tiền bảo hộ lao động mỗi tháng 125.000 đồng, mỗi ngày đi tuần tra rừng được hỗ trợ 50.000 đồng, số ngày đi không quá 15 ngày/tháng.
Trong ngày khai giảng khóa đào tạo, anh Lê Thành Sơn (SN 1987) hiện là nhân viên tổ bảo vệ rừng thôn 3, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, đây là cơ hội của anh để có kiến thức thực thi nhiệm vụ được giao, phục vụ công tác bảo vệ rừng.
"Khóa học thực sự ý nghĩa. Bản thân em cũng như các bạn sinh viên vì chúng em là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của huyện Nam Trà My", sinh viên Lê Thành Sơn bày tỏ.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho hay, để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, huyện Nam Trà My đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện, trọng tâm là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, cây sâm ngọc linh, quế Trà My. Mục tiêu là phải bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt là người dân phải sống được từ rừng.
Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My khẳng định, sau khi tham gia lớp học, các học viên đang tham gia công tác trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng sẽ đảm bảo kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc; các học viên chưa tham gia công tác sẽ có cơ hội vào làm trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về lâm nghiệp, hoặc có kiến thức để tự phát triển kinh tế rừng.
"Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chỉ đạo tuyên truyền vận động thanh niên tham gia học nghề, giải quyết việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững", Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My phát biểu.
Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, đây là lớp đầu tiên trường mở tại huyện Nam Trà My để tạo điều kiện cho con em trong huyện thuận lợi trong việc học tập nâng cao trình độ, phục vụ công tác tại địa phương.
Các học sinh lớp Trung cấp lâm nghiệp 47 này có đến 95% là con em đồng bào dân tộc, trình độ mới hết lớp 9. Các em được đào tạo đầy đủ các nội dung kiến thức chuyên môn để đáp ứng việc bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng tại huyện nhà, đặc biệt tại các xã miền núi cao của huyện.
Các em thuộc diện này không phải đóng học phí và có chế độ theo các quy định của Nghị quyết đã được HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành.
"Việc mở lớp tại các huyện là nỗ lực lớn của trường Cao đẳng Quảng Nam trong việc góp phần thực hiện tốt đột phá thứ 3 trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Nam là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực miền núi cao như Nam Trà My", PGS.TS Vũ Thị Phương Anh phát biểu.
Theo học lớp này, các em vừa học tập theo chương trình của nhà trường, vừa được thực hành, thực tập ngay tại khu vực rừng ở địa phương rất thuận lợi; các em không phải di chuyển xa nên hoàn toàn có thể nâng cao trình độ phù hợp với công việc tương lai tại địa phương.
Cùng với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các huyện trong tỉnh, trường Cao đẳng Quảng Nam còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đồng hành, hỗ trợ cho các em học sinh sinh viên, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn để các em đủ điều kiện học tập tốt nhất.