TPHCM:
Đánh cược với dịch bệnh, chủ vườn hoa Tết "đứng ngồi không yên"
(Dân trí) - Chi phí tăng gấp 3 lần năm ngoái, nhiều nhà vườn ở làng hoa Quận 12 vẫn chạy vạy, mượn nợ khắp nơi để xuống giống. Nếu không bán được 50% sản lượng, các chủ vườn chỉ còn nước... "cạp đất mà ăn".
Gắn bó với việc trồng hoa Tết hơn 30 năm, bà Trịnh Thị Kim Lan (49 tuổi, chủ vườn hoa ở Quận 12) cho biết, chưa bao giờ thấy giá phân bón, vật tư đắt đỏ như năm nay. Chỉ vài tháng, gương mặt bà như già đi vài tuổi vì "ăn rồi đi mượn nợ" nhằm níu giữ vườn hoa.
"Phân, tro, diêm, thuốc rầy đều lên giá 2-3 lần so với mọi năm. Phân Urê từ 9.000 đồng tăng lên đến 24.000 đồng/kg, phân NPK từ 20.000 đồng lên đến 30.000 đồng. Vốn khá nặng nên điều tôi lo nhất lúc này là đầu ra không biết sẽ thế nào. Tôi phải vay nợ ngân hàng để làm vốn xuống giống và chi trả lương cho công nhân...", người phụ nữ 49 tuổi nói.
Nhận định năm nay ngành hoa Tết sẽ khó khăn nhưng bà Lan vẫn quyết xuống giống 8.000 chậu hoa các loại. Với bà, hai năm qua dịch giã khiến cuộc sống gia đình đảo lộn, kinh tế kiệt quệ và đây là lúc để "năm ăn năm thua".
"Những năm trước, thời điểm này đã có các mối quen gọi đến để đặt cọc nhưng năm nay chưa thấy một ai. Càng gần Tết càng lo. Cầu mong sao cho năm nay dịch ổn định bà hoa sẽ hút khách. Nếu không bán được thì không biết tiền đâu trả nhân công, vật tư, hạt giống và phân bón", bà Lan thở dài.
Vườn hoa của bà Lan nằm trên khu đất dự án thuộc phường Thới An, Quận 12, TPHCM. Tại đây có hơn chục vườn hoa, là một trong những nơi cung cấp hoa Tết chủ yếu cho người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận.
Hiện các nhà vườn đều đang tất bật chăm sóc vườn hoa của mình để kịp thời cung ứng ra thị trường Tết Nhâm Dần 2022.
Như thường lệ, vào khoảng tháng 8, bà Lan và các nhà vườn lân cận đều bắt đầu xuống giống hoa. Năm nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết chủ vườn đều chủ động giảm sản lượng và diện tích sản xuất hoa Tết so với mọi năm.
Hiện vườn bà Lan trồng 10 loại hoa nhưng chủ yếu là hoa cúc vì có thể vừa chưng vừa cúng. Một số loại hoa khó tiêu thụ hơn trong dịp Tết như dừa cạn, hướng dương... bà loại bỏ hẳn.
"Chỉ mong tình hình dịch bệnh ổn định. Ròng rã 4 tháng trời, chủ vườn và công nhân dầm mưa dãi nắng vất vả lắm. Đến ngày thu hoạch mà giá thu mua rẻ, sức mua giảm, tệ hơn là phải đập bỏ thì rất đau lòng bởi đó là đứa con tinh thần của chúng tôi", bà Lan chia sẻ.
Chung nỗi lòng đó, bà Lê Thị Ngoan (58 tuổi, quê Hà Nam, ngụ tại Quận 12), công nhân làm vườn nói: "Mức lương 200.000 đồng/ngày từ công việc này cũng là tiền ăn Tết của nhiều công nhân làm vườn như tôi. Vì thế, thấy các chủ vườn phải mượn nợ xoay xở, tôi rất thương. Cầu mong sao hoa năm nay được giá để họ có thể duy trì vườn".
Ngoài những vườn hoa tại Quận 12, vườn hoa tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và TP Thủ Đức cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ Tết. Tuy nhiên, các nhà vườn đều đang khá lo lắng vì tình hình không mấy khả quan của thị trường hoa Tết năm 2022.