Đánh bắt loài hải sản nhỏ như que tăm, ngư dân đếm tiền đều tay
(Dân trí) - Nắng lên, những chiếc thuyền của ngư dân các xã ven biển tỉnh Quảng Nam đồng loạt ra khơi đánh bắt ruốc ven bờ. Công việc có thể thu về hàng triệu đồng mỗi ngày, ngư dân rất phấn khởi.
Những ngày này, không khí ở các làng chài ven biển xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tấp nập, nhộn nhịp hẳn vì ngư dân trúng vụ ruốc ven bờ. Dù chỉ mới đầu vụ, nhưng các thuyền đều tranh thủ nổ máy ra biển để kéo mành vớt ruốc.
Theo ngư dân địa phương, mùa ruốc thường xuất hiện từ cuối tháng Giêng và chỉ kéo dài 1-2 tháng là kết thúc. Hiện ruốc nhỏ bán tươi giá 20.000 đồng/kg, ruốc khô 60.000 đồng/kg (4kg ruốc tươi được 1kg ruốc khô); ruốc lớn bán tươi giá 30.000 đồng/kg, ruốc khô 90.000 đồng/kg.
Ngư dân dùng thuyền lớn để đánh bắt ruốc, khi đầy khoang thì dùng thúng chai đưa ruốc vào bờ. Đánh mành bắt ruốc ngoài khơi chỉ dành cho cánh đàn ông, còn phụ nữ có nhiệm vụ đưa ruốc vào cân tươi cho thương lái hoặc phơi khô rồi bán.
Đưa được chiếc thúng chai vận chuyển hơn 2 tạ ruốc vào bờ cho vợ mang đi cân ở điểm thu gom, ông Trần Văn Sơn (54 tuổi, ở xã Duy Nghĩa) cho biết, vài ngày gần đây thời tiết thuận lợi nên ngư dân đồng loạt ra khơi đánh bắt. Thấy nhiều người đưa thuyền đi kéo mành ruốc, ông cũng cùng con rể tranh thủ kiếm thêm thu nhập.
Hai cha con đi từ 6h, đến khoảng 9h thì cho thuyền chạy vào, rồi mang thúng chai đưa hơn 2 tạ ruốc về bờ, sau đó tiếp tục đánh bắt đến quá trưa thì về.
"Dự kiến hôm nay, cha con tôi cũng kéo được đôi tạ, thu nhập chừng vài triệu là thấy "ấm cúng" rồi. Có thương lái mua tại chỗ thì nhà tôi bán ruốc tươi, không thì phơi khô bỏ cho bạn hàng", ông Sơn chia sẻ.
Hàng ngày, ông Lê Văn Bốn (65 tuổi, xã Duy Hải) cùng người em trai nổ máy lái thuyền có công suất 40CV ra vùng biển Cửa Đại, cách bờ khoảng 2 hải lý để vớt ruốc cả ngày lẫn đêm.
Người làm nghề đánh bắt ruốc phải giàu kinh nghiệm và đôi mắt tinh tường. Ruốc ở tầng nổi thường tập trung từng đàn có màu đỏ au. Ngư dân tập trung quan sát, nhìn sâu vào làn nước để tìm kiếm luồng ruốc xuất hiện.
Ông Bốn cho biết, dụng cụ vớt ruốc là một chiếc vợt được làm bằng 2 thanh gỗ dài 5m, có gắn lưới màng ở giữa theo hình tam giác. Chiếc vợt được buộc chặt ở đầu mũi thuyền. Khi phát hiện vùng ruốc đang di chuyển, mọi người hạ vợt xuống, tăng tốc thuyền đẩy vợt đi và ruốc lọt vào đáy vợt.
"Mỗi lần thu vợt, 2 anh em gom được khoảng 30-40kg ruốc. Để vớt ruốc hiệu quả, người thợ phải am hiểu con nước lên xuống, biển động thì ruốc ít vào bờ", ông Bốn cho hay.
Dưới nước, thuyền đánh bắt ruốc ra vào. Trên cạn, người bán người mua nói cười hồ hởi, không khí lao động càng thêm hăng say, phấn khởi. Lộc trời cho nên người bán không hét giá, người mua không kì kèo. Lao động vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, hào hứng.