1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thăng hạng loại kẹo "nhà nghèo", người phụ nữ đưa đặc sản quê đi muôn nơi

Ngô Linh

(Dân trí) - Từ một loại thức ăn quà quê dân dã với tuổi thơ nhiều người, chị Mỹ Phước đã nâng cấp mẫu mã, chất lượng cho món kẹo đậu phộng để biến nó thành "đặc sản", quảng bá và tiêu thụ khắp mọi miền.

Chị Trịnh Thị Mỹ Phước (46 tuổi, ở thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà chị quyết định dấn thân với nghề làm kẹo đậu phộng; bởi đó không chỉ đơn giản là món ăn, mà còn chứa đựng cả ký ức tuổi thơ, niềm tự hào xứ sở.

"Món kẹo đậu phộng từng một thời nức tiếng tại Hiệp Đức, sau này ít người còn giữ nghề. Nghĩ là làm, tôi mạnh dạn phát triển sản phẩm, vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa góp phần giữ hương vị quê nhà", chị Phước cho hay.

Keo-dau-phong-dac-san-que_congbinh 1

Sản phẩm kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức của chị Phước được công nhận OCOP 3 sao (Ảnh: Ngô Linh).

Thời gian đầu, chị Phước trải qua nhiều lần thất bại, khi thì thắng đường ra "cát", khi thì bánh bị cứng, chất lượng không đạt. Không từ bỏ trước những khó khăn, chị Phước cố gắng tìm ra công thức chuẩn xác và riêng biệt.

Năm 2019, chị định hướng khởi nghiệp làm kẹo quy mô bài bản hơn. Trước khi triển khai phát triển cơ sở, chị tìm hiểu nguyên do vì sao người làm nghề trước đây thất bại khi đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó, đáng chú ý là họ chưa tìm hiểu và đầu tư thấu đáo, không tiêu thụ được sản phẩm ổn định, đặc biệt chưa chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau đó, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư mua máy móc như nồi nấu kẹo, máy hút chân không, máy nướng bánh đến khâu thiết kế, mua bao bì, nhãn mác.

Bên cạnh đó, chị còn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Chị đã được hỗ trợ phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu và logo cơ sở, hỗ trợ truy xuất mã nguồn gốc sản phẩm, mã vạch…

Thăng hạng loại kẹo "nhà nghèo", người phụ nữ đưa đặc sản quê đi muôn nơi (Video: Ngô Linh).

Keo-dau-phong-dac-san-que_congbinh 2

Đậu phộng Quảng Nam hạt tuy nhỏ nhưng tròn, chắc, màu sắc và hương vị rất đặc trưng (Ảnh: Ngô Linh).

Việc đầu tư thiết bị máy móc đã góp phần tạo điều kiện để cơ sở của chị Phước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt nhân công và chi phí sản xuất; đồng thời, tăng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm để những mặt hàng chất lượng tốt đến với người tiêu dùng.

Theo chị Phước, khâu đầu tiên cũng là khâu đáng lưu ý trong quá trình sản xuất, đó là lựa đậu phộng. Chị thu mua nguyên liệu từ nông dân địa phương, trả giá cao hơn thị trường để chọn được những hạt đậu loại 1, không bị hư, lép, khi ăn không bị đắng...

Đặc biệt, hạt đậu phộng Quảng Nam tuy nhỏ nhưng tròn và chắc, có hương thơm, mùi vị rất riêng biệt, giúp kẹo đậu phộng thêm phần hấp dẫn hơn. Tiếp đến là nướng bánh tráng làm đế đổ kẹo, chuẩn bị đường cát, chanh, gừng, mè.

Chia sẻ về công đoạn quan trọng nhất, chị Phước cho hay, nước đường chính là "linh hồn" của chiếc bánh kẹo đậu phộng, vì vậy khâu thắng đường rất quan trọng. Đường phải vừa tới mới tạo được độ kết dính dẻo.

Keo-dau-phong-dac-san-que_congbinh 3

Sản phẩm kẹo đậu phộng của chị Phước vượt ra khỏi địa phương, tiêu thụ ở thị trường các tỉnh, thành phố lớn (Ảnh: Ngô Linh).

"Một mẻ kẹo đậu thành công sẽ hấp dẫn từ màu sắc đến hương vị đặc trưng. Dù để lâu vẫn giữ được độ giòn của bánh tráng và đậu, cắn chiếc bánh kẹo vị ngọt lan tỏa trong khoang miệng, quyện cùng vị béo bùi và thơm của đậu phộng, mè rang", chị Phước nói.

Hiện nay, sản phẩm kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức được người tiêu dùng đón nhận. Không chỉ trong tỉnh Quảng Nam, sản phẩm còn có mặt ở khắp các thị trường Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng, vào tận TPHCM… và trên các trang thương mại điện tử.

Trung bình mỗi tháng, chị Phước xuất bán hơn 21.000 chiếc kẹo đậu, giá thành 12.000 đồng/chiếc loại nhỏ, 25.000 đồng/chiếc loại lớn.

Nhờ phát triển được sản phẩm có chất lượng, cuộc sống của gia đình chị Phước khấm khá hơn, xây được nhà cửa khang trang.

Không những vậy, cơ sở của gia đình chị Phước còn tạo việc làm cho 6 chị em phụ nữ tại địa phương với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng/người.