"Đáng tiếc" nếu phải sửa Luật bảo hiểm xã hội năm 2014

Cho ý kiến vào đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “đáng tiếc" nếu buộc phải sửa đổi.

Theo Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động chỉ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm (20 năm hoặc 15 năm), không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; ra nước ngoài định cư; bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

“Quy định này phù hợp với xu hướng BHXH tiến bộ của thế giới, là chính sách an sinh xã hội lâu dài, bởi bảo hiểm xã hội cùng với bảo hiểm y tế là 2 trụ cột quan trọng nhất trong chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tôi cho rằng, quan điểm của Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội

Theo bà Ngân, sự kiện 84.000 công nhân Công ty PouYuen Việt Nam và công nhân của một vài doanh nghiệp khác tụ tập phản đối quy định trên hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua chỉ là sự cố đáng tiếc.

“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh tìm hiểu xem vì sao lại có sự việc đáng tiếc xảy ra, là nguyên nhân khách quan (do quy định chưa phù hợp) hay do nguyên nhân chủ quan (công tác tuyên truyền, giải thích chưa tốt). Nhưng dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng phải hết sức bình tĩnh trước khi tính đến sửa đổi Điều 60”.

Bà Ngân phân tích, trên thực tế, sự kiện công nhân biểu tình chỉ xảy ra ở 1 doanh nghiệp, tại một quận ở TP.HCM (sau đó lan ra một vài doanh nghiệp khác nhưng với quy mô và mức độ không lớn), còn hàng triệu công nhân lao động trên khắp cả nước không hề phản ứng.

Bà Ngân cho rằng, số người lao động ở một vài doanh nghiệp biểu tình phản đối Điều 60 (thực ra là chỉ phản ứng quy định không cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm) không thể đại diện cho tất cả lao động trong cả nước.

Nhưng nếu buộc phải sửa thì quả là điều đáng tiếc, vì quy định không cho phép người lao động nhận bảo hiểm 1 lần là nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm để khi về già họ có được chỗ dựa về tài chính.

“Quy định này chính là cái lưới bảo vệ người lao động tránh bị rơi vào nghèo đói khi hết tuổi lao động”, bà Ngân nhấn mạnh.

Nhớ lại thời kỳ còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Ngân kể, bà đã nhận được nhiều lời chỉ trích của những người đã nhận trợ cấp 1 lần khi thực hiện Quyết định 176/1989/HĐBT khi sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh.

“Khoảng 35 vạn người nhận “chế độ 176”. Nhiều người trong số họ có cuộc sống hết sức khó khăn vì không có lương hưu. Nhiều người dù không khó khăn lắm nhưng vẫn muốn trả lại Nhà nước số tiền đã nhận để được hưởng lương hưu nhưng ta chưa có chính sách nên nhiều người phản ứng gay gắt với tôi rằng “Nhà nước vắt chanh bỏ vỏ”, “đem con bỏ chợ”… cùng rất nhiều lời khó nghe khác”, bà Ngân chia sẻ.

Chẳng riêng gì bà Ngân, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách kể, nhiều lần đi tiếp xúc cử tri ông cũng rất “rát tai” khi nghe cử tri “nghỉ chế độ 176” nói chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần chẳng khác gì đem con bỏ chợ, nhiều người dù có hoàn cảnh khó khăn cũng muốn nộp lại số tiền đã nhận để được hưởng lương hưu.

Quy định không cho hưởng lương hưu một lần trừ một số trường hợp đặc biệt được ông Hiển ví von như quy định bắt buộc người dân tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm.

“Hai quy định này là vì người dân, không phải gây khó khăn cho người dân, vì vậy, không phải vì một bộ phận nhỏ người dân không đồng tình mà mình lại không thực hiện chính sách tốt đẹp này”, ông Hiển nói thêm và cho rằng, bất cứ chính sách nào ban hành cũng có một bộ phận nhỏ người dân không đồng tình và phản ứng bằng cách này hay cách khác. “Nhưng nếu khẳng định rằng đây là chính sách tốt đẹp để bảo vệ người dân, nhiều nước trên thế giới cũng đang thực hiện thì phải cân nhắc thật kỹ trước khi sửa đổi”, ông Hiển phát biểu và nhắc lại: “Nếu buộc phải sửa đổi là việc vô cùng đáng tiếc”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, sự kiện xảy ra ở Công ty PouYuen hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua chủ yếu là do khâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người lao động chưa tốt nên một bộ phận người lao động chưa hiểu được tính nhân văn của Điều 60 là nhằm bảo vệ người lao động khi họ không còn khả năng lao động.

“Nếu chúng ta sửa ngay Điều 60 liệu có vội vàng quá không?”, ông Phúc đặt câu hỏi và cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội phải đến 1/1/2016 mới có hiệu lực, từ nay đến cuối năm, các cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức công đoàn, mặt trận tổ quốc và các cơ quan đoàn thể tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Điều 60. Nếu vẫn có nhiều người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ sửa Luật Bảo hiểm xã hội vào Kỳ họp Quốc hội cuối năm.

“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không vì công nhân tại một vài doanh nghiệp biểu tình mà sửa ngay chính sách nhân văn này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng triệu lao động trong cả nước”, ông Phúc đặt vấn đề.

Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định, Điều 60 rất nhân văn, là phao cứu sinh cho người lao động khi họ không còn khả năng làm việc và là chính sách bảo đảm an sinh xã hội rất hữu hiệu, nhưng nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần là có thật đối với công nhân làm trong ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản… mới tham gia bảo hiểm trên dưới 10 năm và không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp nữa.

Để hài hòa giữa chính sách nhân văn và thực tế, theo ông Chính, trước mắt vẫn cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu họ không tiếp tục tham gia bảo hiểm sau 1 năm, sau đó kéo dài thời gian không tiếp tục tham gia bảo hiểm lên 2 năm, 3 năm, 5 năm và tiến tới chấm dứt chính sách này.
Theo Báo Đầu Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm