Đan cần xé tí hon, xuồng siêu nhỏ bán "đắt như tôm tươi"
(Dân trí) - Bằng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ ở miền Tây đã "hô biến" các chất liệu tự nhiên, quen thuộc như tre, trúc thành những món đồ trang trí mỹ nghệ kích thước nhỏ, khiến du khách yêu thích.
"Người trẻ quay lưng, người già bám trụ"
Nằm cặp con sông Cái Côn tại khu vực 6, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy (Hậu Giang), xóm đan cần xé (một loại giỏ đan lớn thường dùng để đựng rau củ, trái cây và các loại hàng hóa) êm đềm như nhịp chảy dòng sông. Ít ai biết rằng, làng nghề này đã tồn tại cả trăm năm, nuôi sống bao thế hệ gia đình.
Giá thành sản phẩm thấp, thu nhập không ổn định khiến nhiều người, nhất là lớp trẻ "quay lưng" lại với nghề đan đát nổi tiếng một thời. Trải qua thời gian, thăng trầm, làng nghề không còn sung túc, nhộn nhịp như xưa tuy nhiên sức sống của nghề vẫn âm thầm cháy.
Ông Bùi Tấn Lộc, Bí thư Trưởng Khu vực 6, phường Ngã Bảy cho biết, làng nghề cần xé giờ còn khoảng 50 hộ tham gia với hơn 200 lao động. Thời điểm từ Tết Dương lịch đến giáp Tết Nguyên Đán là thời điểm làng nghề có đông khách du lịch đến tham quan, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia...
"Để bám trụ nghề, người dân cũng thay đổi tư duy sản xuất, trong đó có 2 hộ kết hợp đan đát đồ mỹ nghệ từ tre, trúc với kích thước nhỏ, mặt hàng này khá được du khách ưa chuộng vì nhỏ gọn, họ thường mua làm quà lưu niệm. Nhờ vậy, bà con ở làng nghề có thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như níu giữ danh tiếng xóm cần xé này", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, làng nghề đan đát có nhiều sản phẩm, trong đó nhiều nhất là cần xé. Cần xé cũng có nhiều loại nhỏ, vừa và lớn tùy vào loại hàng hóa cần đựng.
Cách đan cần xé cũng chia ra nhiều loại như loại thưa để đựng trái cây, loại dày đựng vật nặng như đất, cát, các loại củ, quả lớn. Cần xé được đan bằng mặt cứng phía ngoài của thân tre, nguyên liệu được lấy từ tre trồng ở địa phương và nhập từ nơi khác về. Mỗi chiếc cần xé được đan trong 2 ngày, giá bán từ vài chục nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng/chiếc.
Cần xé tí hon, thuyền ba lá "mini" được khách săn lùng
Bà Nguyễn Thị Tú Anh có hơn 30 năm gắn bó nghề đan cần xé, là một trong số ít hộ sáng tạo đồ mỹ nghệ kích thước nhỏ. Các sản phẩm như cần xé nhỏ, mô hình chiếc thuyền tam bản (ba lá), quang gánh, bình hồ lô, rế nhỏ, bình nước được bà Tú Anh bán với giá từ 30.000 đến 300.000 đồng, so với cần xé thông thường các mặt hàng này có sức tiêu thụ rất tốt.
Vừa ngồi vót những đoạn trúc nhỏ để dập mê (đây là công việc gầy phần đáy cần xé), bà Tú Anh chia sẻ: "Đan cần xé lớn thu nhập không bao nhiêu nhưng đan những món đồ trang trí nhỏ lại được nhiều người ưa chuộng. Vả lại, mình đan cái lớn được không lẽ cái nhỏ lại không làm được. Nghĩ vậy nên tôi làm thử, các công đoạn tương tự nhưng thời gian đan đát tiêu tốn nhiều hơn".
Thông thường, mỗi chiếc cần xé thành phẩm trải qua khoảng 6 công đoạn như dập mê, lên góc, cấu miệng, léo miệng, vô quai, ghim đáy.
Theo nữ nghệ nhân, làm một sản phẩm cần xé tí hon phải mất 3 ngày vì chẻ tre, chuốt trúc kỳ công hơn, khi đan đát xong xuôi rồi còn phải phủ sơn chống mốc, trang trí hoạt tiết cho sinh động mới hấp dẫn được du khách.
Mẫu cần xé thu nhỏ và ghe chiếu Cà Mau có phần mui là bán chạy nhất. Do không đủ thời gian và người làm nên mỗi tháng, bà Tú Anh chỉ xuất bán được vài chục chiếc, một số mặt hàng khách phải đặt trước mới kịp gia công.
Chính sự kỳ công, tỉ mẩn và tốn thời gian mới được một thành phẩm nên ít người làm sản phẩm đan đát tí hon, chủ yếu họ gia công cần xé lớn và lãnh tiền công theo công đoạn đan đát.
Bà Hồ Thị Ngọc Duyên (45 tuổi) cho biết: "Quy trình đan cần xé có nhiều bước, ai đan phần nào sẽ "lãnh cứng" phần đó, không phải đan hết một cái. Tiền công dao động từ vài nghìn đồng đến 15.000 đồng/cái. Đan xong sẽ giao lại cho xưởng rồi bán ra cho người tiêu dùng".
Nhà có hai vợ chồng, con trai bà Duyên đi làm xa, thu nhập từ nghề đan cần xé giúp vợ chồng bà kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng, nên hai người vẫn phải làm thêm công việc khác mới đủ xoay sở.
"Người đan cần xé ở xóm đa số là phụ nữ nội trợ, thời gian rảnh ở nhà đan cần xé kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Như tôi, mỗi ngày đan được mười mấy cái, kiếm trên 100.000 đồng", bà Duyên nói thêm.
Với kỹ thuật đan tinh xảo, nghề đan cần xé đã trở thành một giá trị văn hóa nghề nghiệp thủ công quý báu của người dân Ngã Bảy.