Đảm bảo phòng dịch cho hàng vạn lao động Hà Tĩnh sản xuất dịp cuối năm
(Dân trí) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là có nhiều ca trong cộng đồng, các cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực tạo mức an toàn cao nhất cho lao động sản xuất dịp cuối năm.
Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với 1.000 lao động, ngay sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn, Công ty May mặc xuất khẩu APPARETECH, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh, đảm bảo duy trì sản xuất.
Đại diện Công ty cho biết, ngoài việc thực hiện phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, đơn vị đã phun khử khuẩn nơi làm việc, tiến hành test nhanh đối với công nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh, tuyên truyền cán bộ công nhân sau khi hết giờ làm việc hạn chế đi đến những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.
Chị Phạm Thị Sâm, công nhân của Công ty cho biết, dù khá lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng khi đến làm việc tại nhà máy cũng an tâm phần nào.
"Chúng tôi đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Điều này đã mang lại cho những người lao động "lợi ích kép" khi vừa không bị nhiễm bệnh, vừa có việc làm, thu nhập ổn định, bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như thế này, đây là điều rất ý nghĩa đối với chúng tôi", chị Sâm nói.
Cũng tại Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đi vào hoạt động sản xuất đầu năm 2020. Mặc dù có số lao động khá lớn với gần 400 người, ở nhiều địa phương nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nên 2 năm qua, công ty chưa phải dừng sản xuất ngày nào.
Ông Phan Trí Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", hoạt động sản xuất của công ty đã có nhiều thuận lợi hơn.
Còn tại Cụm công nghiệp Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), những tháng cuối năm, cán bộ, công nhân Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) đang chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng theo hợp đồng.
Theo bà Phan Thị Thanh Giang, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, công ty đang đảm bảo việc làm cho gần 2.100 lao động với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo "mục tiêu kép", 100% lao động trong công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và tuân thủ nghiêm quy định "5K" trong quá trình sản xuất cũng như khi ra khỏi nhà máy.
"Từ nay đến cuối năm, bên cạnh tập trung sản xuất kịp tiến độ các đơn hàng, công ty tuyển dụng thêm ít nhất 400 lao động để đảm bảo sản xuất theo kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo", bà Giang thông tin thêm.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng - nơi tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn và nhiều nhà thầu đang triển khai các dự án với hàng chục nghìn lao động cũng đang thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt" để sản xuất.
Ông Hồ Sỹ Quốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho biết, nhờ thực hiện tốt các quy định, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng thời gian qua, FHS vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho gần 7.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, trong giai đoạn sản xuất những tháng cuối năm, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng Covid-19 để đảm bảo mục tiêu sản xuất, kinh doanh; đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục; đôn đốc, kiểm tra giám sát thường xuyên nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện linh hoạt các giải pháp để phòng dịch hiệu quả, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.