Đắk Nông: Kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ mua thứ hạt ...bỏ đi
(Dân trí) - Người ăn sầu riêng khi ăn hết lớp cơm thì vất bỏ bỏ hạt. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhiều người ở Đắk Nông lại săn lùng hạt sầu riêng để bán. Có thời điểm, thứ hạt này còn có giá cao hơn cả quả.
Từ khoảng cuối tháng 5, nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang săn lùng mua hạt sầu riêng bản địa (sầu riêng hạt). Đầu mùa, khi số lượng hạt còn ít, giá mua loại hạt này có khi lên đến gần 40.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Định, tiểu thương ở khu vực chợ trung tâm Gia Nghĩa (TP. Gia Nghĩa) kể, mỗi ngày chị thu mua từ 50 - 70 kg hạt sầu riêng bản địa. Mức giá thường dao động khoảng 30.000 đồng/kg đối với hạt to, đều và khoảng 20.000 đồng/kg đối với hạt nhỏ.
Chị Định cùng một vài tiểu thương khác gom mua hạt sầu riêng. Khoảng 3 đến 5 ngày sau thương lái ở các tỉnh miền Tây mới đến lấy đi. Mỗi ký hạt bán lại cho đầu mối, chị hưởng chênh lệch khoảng 5.000 đồng/kg.
“Những năm trước người ta chưa mua hạt sầu riêng nên cứ ăn xong là vứt bỏ. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, việc thu mua hạt đã giúp chúng tôi có đời sống ổn định hơn", chị Định nói.
Theo chị, so với mọi năm, giá hạt sầu riêng năm nay chỉ bằng một nửa nhưng mỗi ngày, chị cũng kiếm được khoảng 400.000- 500.000 đồng.
Lý giải về việc thu mua hạt sầu riêng, chị Định cho biết: “Hiện nay vựa ươm cây giống ở các tỉnh miền Tây đang cần nguồn hạt lớn để ươm cây. Nhu cầu cao nên đã có ngày, tiểu thương mua hạt sầu riêng ở chợ Gia Nghĩa thu mua được hơn 1 tạ hạt, bán chênh lệch, bỏ túi cả triệu bạc”.
Bà Đỗ Thị Hoa, tiểu thương chợ Gia Nghĩa, cho biết, có thời điểm bạn hàng ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre hối thúc giao hàng nhưng bà vẫn chưa gom đủ dù giá bán ở mức trên 30.000 đồng/kg.
Bà Hoa kể, nhiều người nghi ngại mua hạt sầu riêng để làm gì nhưng theo tìm hiểu của bà thì các chủ vườn ươm mua về để làm cây giống. Các tỉnh khác phần lớn sầu riêng lép hạt không ươm cây. Sầu riêng bản địa cho hạt to, dễ ươm được thành cây giống.
“Sau khi ươm một thời gian, chủ vườn sẽ ghép các mối, mầm sầu riêng hạt lép như Mongthong, Ri6… vào gốc cây sầu riêng hạt để cho năng suất cao hơn. Lợi thế của sầu riêng bản địa hạt to là dễ trồng và sinh trưởng tốt nên người ta mua nhiều”, bà Hoa giải thích.
Cũng theo bà Hoa, những năm trước sầu riêng hạt không được khách hàng chú ý vì ít thịt và quả nhỏ. Giá của loại này cũng chỉ bằng một nửa các loại sầu riêng khác. Tuy nhiên, hiện tại, giá mua hạt lại cao hơn mua quả.
“Nhiều người đến mua sầu riêng hạt về ăn vì nó chín tự nhiên và ngọt. Mỗi lần ăn tôi đều bảo khách giữ lại hạt để bán. Bình thường quả sầu riêng hạt chỉ bán với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Tức là người dân chỉ phải bỏ ra vài ngàn đồng để được ăn sầu riêng”, bà Hoa nói.
Bà Hoa cho biết, hạt sầu riêng đang được bà mua với giá 22.000 đồng/kg. Mỗi ngày bà Hoa thu mua được khoảng 70kg hạt.
Tại huyện Đắk Mil, địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Nông, vào thời điểm này nhiều tiểu thương cũng đổ xô đi tìm mua hạt sầu riêng.
“Nhiều gia đình trồng sầu riêng đã 20-30 năm nên cây sầu riêng không còn năng suất, quả nhỏ và ít cơm. Chúng tôi thường tìm đến nhà vườn này mua lại quả, vừa để bán lại, vừa để lấy hạt", chị Lê Ngọc Lan, ngụ huyện Đắk Mil cho biết.
"Những năm trước, có người “thầu” luôn cả vườn sầu riêng chỉ để đảm bảo nguồn cung cấp hạt”.
Theo nữ tiểu thương này, thông thường sầu riêng cỗi cây (cây già), quả nhỏ, chín tự nhiên thì cứ 10 kg sầu riêng thì được khoảng 7 kg hạt. Một ngày, vừa bán quả, vừa thu mua hạt, chị Lan bỏ túi khoảng nửa triệu đồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), sầu riêng là loại cây ăn quả đã có diện tích trồng lớn nhất trong khoảng 17 loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Hiện tỉnh này có diện tích trồng sầu riêng khoảng 1.305 ha/6.946 ha cây ăn quả.
Dương Phong