Đắk Lắk: Lương quá thấp, công an xã đồng loạt nghỉ việc

Với áp lực công việc cao, nhiều rủi ro nhưng mức thu thập còn quá thấp nên ở Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, có gần 100 công an viên thường trực, phó công an xã đồng loạt nghỉ việc.

Với áp lực công việc cao, nhiều rủi ro như vậy, nhưng mức thu thập của lực lượng này còn quá thấp nên ở Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, có gần 100 công an viên thường trực, phó công an xã đồng loạt nghỉ việc.

Công việc nặng trong khi lương không đủ sống

Ông Nguyễn Văn Quốc - Trưởng công an xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) - cho biết, theo quy định, lực lượng công an viên thường trực tại các xã là 3 đồng chí, nhưng đơn vị hiện chỉ có 2 người. Việc thiếu lực lượng công an viên thường trực ảnh hưởng đến công tác chung của đơn vị.

“Từ đầu năm đến nay, xã Quảng Tiến có 2 đồng chí công an viên thường trực xin nghỉ việc với lý do lương thấp. Do không có lực lượng giúp việc - công an viên thường trực, công việc của phó và trưởng công an xã như chúng tôi bị dồn lên cao” - ông Quốc cho biết.


Hiện mức hỗ trợ cho lực lượng công an xã còn thấp. Ảnh minh họa: PV

Hiện mức hỗ trợ cho lực lượng công an xã còn thấp. Ảnh minh họa: PV

Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2018, địa phương này có hơn 100 công an xã, công an viên thường trực, công an thôn nộp đơn xin nghỉ với lý hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi phụ cấp quá thấp, không đủ sống.

Anh Nguyễn Duy Tiến (trú xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar ) cho biết, anh từng làm công an viên thường trực tại xã với thời gian công tác trong 2 năm. Ban đầu, mức lương của anh là 1.150.000 đồng/tháng, sau đó tăng lên 1.300.000 đồng tháng.

Từ năm 2017, lương của công an viên thường trực như anh chỉ còn chưa đầy 800 ngàn đồng/tháng nên anh nộp đơn xin nghỉ việc để về nhà trồng cà phê, hồ tiêu.

“Anh em công an viên thường trực luôn phải trực 24/24h tại trụ sở để nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Công việc thì áp lực nhưng anh em chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vì cái chung xã hội. Mãi khi đồng lương xuống quá thấp thì tôi đành xin nghỉ, tìm việc khác để có tiền nuôi vợ con” - anh Tiến nói.

Không thể để hiệu ứng nghỉ việc đồng loạt

Tại một số địa phương không chỉ riêng Đắk Lắk, cũng có trường hợp anh em làm việc với áp lực cao trong khi thu nhập quá thấp nên phải xin nghỉ việc. Bên cạnh đó, bản thân lực lượng công an xã không được đào tạo bài bản so với lực lượng sỹ quan công an chính quy nên không ít người lạm quyền, có hành vi không đúng chuẩn mực khi thi hành công vụ.

Đại diện lãnh đạo công an huyện tại Đắk Lắk cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này nằm ở khâu quản lý, sử dụng lực lượng công an xã của chính quyền địa phương. “Để lực lượng công an xã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, huyện cho đến cấp ủy chính quyền cơ sở phải thường xuyên giám sát, phê bình, nhắc nhở công việc của họ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phụ cấp cho lực lượng công an xã cũng là giải pháp giúp anh em an tâm công tác” - vị lãnh đạo công an huyện này nói.

Đại tá Đoàn Quốc Thư - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - giải thích, trước đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, xây dựng đề án hỗ trợ cho lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh. Sau khi đề án này hết hiệu lực vào tháng 1.2017, nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng này không được duy trì là một phần nguyên nhân khiến nhiều anh em nộp đơn xin nghỉ việc.

“Khi đề án hết hiệu lực, các địa phương tự cân đối để bố trí kinh phí chi trả cho lực lượng công an xã. Tuy vậy, nhiều nơi chi trả phụ cấp quá thấp đã khiến anh em không thể an tâm công tác. Hiện, công an tỉnh đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh sớm thông qua đề án mới để có nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng công an xã” - đại tá Đoàn Quốc Thư nói.

Theo Lao động