Đắk Lắk: 4 bác sĩ chi hàng trăm triệu “chạy” chứng chỉ hành nghề
(Dân trí) - Ngành y tế Đắk Lắk vừa phát hiện 4 trường hợp bác sĩ ở tỉnh khác đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) thực hành “chui” và chi hàng trăm triệu đồng để có được chứng chỉ thực hành ngành y.
Có chứng chỉ hành nghề... dù không thực hành
Trao đổi với PV Dân trí chiều 9/6, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - cho biết, đơn vị đã có kết luận về việc 4 trường hợp đang công tác ngành y ở các tỉnh khác đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hành “chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề ngành y.
Qua đó, Sở Y tế đã quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định đối với 4 trường hợp này, gồm: Ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985, quê tỉnh Lâm Đồng), ông Lê Anh Tài (SN 1978, quê Thừa Thiên Huế), ông Hứa Chí Cường (SN 1981, quê TP.Hồ Chí Minh) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, ngụ tỉnh Đồng Tháp).
Các trường hợp trên đều có trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa.
Theo kết luận của Sở Y tế, thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề của 4 trường hợp trên tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên có nhiều vi phạm.
Theo đó, duy nhất trường hợp ông Huỳnh Văn Bình có tham gia thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên khoảng 1 tháng (trong khi đó quy định phải thực hành 18 tháng - PV), còn 3 trường hợp còn lại chưa từng tham gia thực hành tại bệnh viện này.
Tuy nhiên, 4 trường hợp tên đều có giấy xác nhận thời gian thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện dẫn đến việc được Sở Y tế Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Cao Văn Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk, qua nhiều kênh thông tin lãnh đạo Sở đã cho kiểm tra về việc ban hành quyết định giấy xác nhận thực hành cho 4 trường hợp bác sĩ này.
“Qua làm việc các bộ phận, cá nhân có liên quan xác định chỉ hành nghề được cấp là chứng chỉ thật, hồ sơ thực hành của những người này là không hợp pháp dẫn đến việc Sở có văn bản thu hồi chứng chỉ hành nghề”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, Sở Y tế đã mời cả 4 trường hợp này lên làm việc. Tuy nhiên, 3 người có thái độ hợp tác làm việc, riêng ông Lê Anh Tài không tới.
“Quá trình làm việc, cả 3 người khẳng định những chữ ký trong xác nhận hồ sơ thực hành không phải là chữ ký của họ”, ông Thành cho hay.
Phó Chánh Thanh tra cho biết thêm, các trường này đã thông qua mạng xã hội Facebook để liên hệ với một người nhận làm chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Việc làm này có trả phí.
Trước sự việc, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiểm điểm trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan đến những trường hợp này.
Chi 200 - 300 triệu đồng có ngay chứng chỉ hành nghề
Theo kết luận kiểm tra của Sở Y tế Đắk Lắk, ông Huỳnh Văn Bình có giải trình: "Vào cuối năm 2017, thông qua Facebook, ông Bình liên hệ với một người phụ nữ tên Y. (ngụ TP.Hồ Chí Minh) để nhờ người này làm giúp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và được người này đồng ý".
Sau đó, bà Y. giới thiệu ông Bình cho một người phụ nữ tên H. (ngụ TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bà này tự xưng là bác sĩ da liễu. Sau đó, bà H. cam kết hỗ trợ và báo giá làm giấy chứng chỉ hành nghề là 220 triệu đồng.
Tháng 7/2018, bà H. bảo ông Bình lên thực hành tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại bệnh viện, bà H. đưa ông Bình đến Phòng Tổ chức cán bộ để bổ sung hồ sơ, nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành Khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này.
Tuy nhiên, ông Bình chỉ đi được khoảng 1 tháng, còn lại bà H. bảo rằng sẽ “lo hết”.
Riêng trường hợp của ông Hứa Chí Cường và ông Huỳnh Thanh Giàu đều thừa nhận cũng nhờ người phụ nữ tên Y. làm giấy chứng chỉ hành nghề với giá 300 triệu đồng.
Còn trường hợp ông Lê Anh Tài không đến Sở y tế làm việc nên chưa có kết luận cụ thể.
Theo vị Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế, cơ quan công an tỉnh đã liên hệ Sở để nắm hồ sơ về vụ việc vi phạm pháp luật này. Đồng thời phía Sở đang tiến hành thanh tra đột xuất việc quản lý thực hành và quá trình thực hành khám, chữa tại một số cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.
Thúy Diễm