Đại sứ kỹ năng nghề VN và những chia sẻ hữu ích về chọn trường, chọn nghề
(Dân trí) - “Lăn lộn đủ mọi nghề mà vẫn vất vả, tôi quyết định theo học nghề một cách bài bản để có phương pháp tư duy, làm việc hiệu quả hơn".
Anh Đỗ Công Nguyên (SN 1982, Giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại, Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam) chia sẻ với PV Dân trí về quyết định đến với học nghề.
Quyết định ấy đã mở ra con đường để anh Đỗ Công Nguyên phát huy được khả năng của mình và gặt hái nhiều thành công.
Nhận thức nghề thay đổi
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên nhận định, xã hội đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức về nghề nghiệp.
“Trước đây học nghề chưa được coi trọng, thậm chí là lựa chọn cuối cùng khi không đỗ vào đại học. Hiện tại, học nghề xếp ngang hàng với học đại học, có những bạn đủ điểm vào đại học vẫn lựa chọn học nghề” - anh Nguyên cho biết.
Từ trải nghiệm của một người học nghề, anh Nguyên khẳng định: "Cơ hội thành công với mỗi lựa chọn là ngang nhau. Điều quyết định là các bạn có nắm bắt được cơ hội hay không và khả năng của các bạn có đáp ứng được nhu cầu về nghề nghiệp hay không”.
Anh Đỗ Công Nguyên ý thức được rằng, bản thân phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc lan tỏa nhận thức về nghề nghiệp, giá trị của giáo dục nghề nghiệp đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp.
Đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ, anh Nguyên cho rằng, lựa chọn học đại học hay cao đẳng, trung cấp tùy thuộc nhu cầu, nguyện vọng bản thân mỗi người.
Tuy nhiên cần xem xét nguyện vọng có hợp với khả năng của bản thân mình, nhu cầu của xã hội để có quyết định phù hợp, tránh tình trạng lựa chọn vì ý thích nhất thời hoặc thiên hướng lĩnh vực này, lại chọn học lĩnh vực khác
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyễn nhấn mạnh, chọn nghề đã khó, thành công với nghề còn khó hơn, đòi hỏi thái độ nghiêm túc trong quá trình học.Thời gian học 3 năm, 4 năm trên giảng đường có vẻ dài nhưng thực ra rất ngắn, quay đi quay lại đã tốt nghiệp ra trường.
Do đó, các bạn trẻ cần tìm hiểu thực tế nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp, tận dụng thời gian học ở trường để nắm chắc lý thuyết, phương pháp giải quyết vấn đề kết hợp trải nghiệm thực tế và trau dồi các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp…
Có vậy, ra trường mới vững tin với khả năng của mình, có cơ hội làm đúng nghề và thành công với nghề.
Nhận thức việc đào tạo bài bản
Nhà nghèo nên đầu năm 2000, sau khi học hết cấp 3, anh Đỗ Công Nguyên bắt xe vào Nam tìm việc kiếm sống. Để có tiền, anh bươn chải đủ mọi nghề từ xây dựng, xay xát gạo, nuôi tôm, in mẫu lên quần áo đến phụ việc trong nhà máy khu công nghiệp.
Tất cả đều là công việc lao động chân tay vất vả, tuy nhiên dù chịu khó đến mấy, mỗi tháng, anh Nguyên cũng chỉ kiếm được số tiền 300-400 nghìn đồng, không đủ trang trải cuộc sống.
Anh nhận ra, do chưa được đào tạo bài bản về nghề nghiệp nên việc tiếp cận nghề gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc quản lý giao việc này việc kia, anh loay hoay không biết triển khai thế nào nên cảm thấy rất khổ tâm.
Câu hỏi "vì sao làm việc vừa nặng nhọc về thể lực vừa mệt mỏi về tinh thần mà hiệu quả không cao" khiến anh Nguyên trăn trở mãi.
Cuối năm 2002, anh quyết định về Hà Nội học nghề với mong muốn có kiến thức bài bản về nghề và phương pháp tư duy, làm việc hiệu quả hơn.
Nhận thức được tiềm năng của nghề nấu ăn, cộng thêm đam mê và năng khiếu sẵn có, anh Nguyên chọn học nghề nấu ăn tại trường Cao đẳng du lịch Hà Nội.
Quá trình theo học ở trường, anh tận dụng mọi cơ hội học tập có được, tích lũy kiến thức, lao động nghiêm túc, say mê.
Sau 2 năm vất vả rèn luyện, tháng 5-2004, anh Đỗ Công Nguyên giành giải Nhất kỳ thi “Kỹ năng nghề Quốc gia” và được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự hội thi "Tay nghề ASEAN”.
Tại hội thi, Đỗ Công Nguyên đã xuất sắc giành Huy chương vàng. Đây là lần đầu tiên một đầu bếp Việt Nam giành được giải thưởng cao nhất của hội thi.
Với kết quả này, anh Đỗ Công Nguyên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2005, anh được tuyển thẳng vào Đại học Thương mại.
Với mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tích lũy được, sau khi tốt nghiệp, anh Nguyên trở thành giảng viên Trường Đại học Thương mại.