Đại sứ kỹ năng nghề VN: Rèn giũa những tay nghề “vàng” kế cận
(Dân trí) - Xuất sắc giành Huy chương vàng Kỳ thi tay nghề ASEAN 2004, anh Hoàng Nhân Thắng được giữ lại trường làm giảng viên. Với công tác giảng dạy, anh Thắng đã góp phần đào tạo nhiều tay nghề “vàng” kế cận.
Bất ngờ thành thầy giáo
Anh Hoàng Nhân Thắng hiện là Trưởng bộ môn Mộc xây dựng và trang trí nội thất, Khoa chế biến gỗ, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Với nhiều thành tích đạt được, tháng 7/2020, anh Hoàng Nhân Thắng đã vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chọn là 1 trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam.
Danh hiệu góp phần tôn vinh giá trị, vai trò của giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong tình hình mới.
Theo lời kể của vị đại sứ nghề 35 tuổi này, khi tốt nghiệp trung học cơ sở, kinh tế khó khăn và bố mẹ ốm đau liên miên. Anh Hoàng Nhân Thắng quyết định gác lại giấc mơ đèn sách, tìm đường học nghề mưu sinh.
Anh Hoàng Nhân Thắng chia sẻ: “Cách đây 20 năm, thông tin truyền thông còn hạn chế. Tôi quyết định chọn học ngành chế biến gỗ ở Trường vì theo lời giới thiệu của một người quen: Việc theo học ở đây sẽ được nuôi ăn ở, học phí lại thấp”.
Một trở ngại nhỏ nhưng cũng chính là động lực của anh. Lúc anh Thắng chuẩn bị lên đường đến Hà Nam nhập học thì mẹ lại đổ bệnh. Anh Thắng ở lại nhà thêm 1 thời gian để giúp gia đình làm kinh tế và tiện chăm sóc mẹ.
Đây chính là thời gian anh suy ngẫm và càng quyết tâm cho việc học nghề để cố gắng học tập. "Trước hết là kiếm cho mình một cái nghề sau là không phụ công lao của cha mẹ" - anh nhớ lại.
Trong thời gian 2 năm học nghề, với sự cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ, anh Hoàng Nhân Thắng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Anh và các bạn trong đội tuyển liên tục đạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề trên cả nước.
Điểm nhấn lớn nhất, tháng 10/2004, anh Hoàng Nhân Thắng đại diện cho Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN và giành huy chương vàng. Với thành tích đáng tự hào, anh Thắng được nhà trường mời làm giảng viên.
“Việc trở thành giảng viên là điều tôi chưa từng nghĩ đến. Sau đó, tôi theo học tiếp trung học phổ thông và đại học thực hiện ước mơ đi học của mình” - anh Thắng nói.
Làm giảng viên dạy thực hành và huấn luyện học sinh giỏi tại trường được 6 năm, anh Thắng quyết định chuyển công tác về Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Không ngừng học tập và cố gắng, hiện nay anh Hoàng Nhất Thắng đang theo đuổi chương trình học thạc sĩ để sau này có thêm kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy các thế hệ kế cận.
Góp sức tạo những mùa “vàng”
Ở môi trường mới, anh Thắng tiếp tục phát huy khả năng để đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề. Liên tục trong nhiều năm liền, học sinh của anh Hoàng Nhân Thắng đạt thành tích cao tại các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế.
“Năm 2014 có lẽ là năm nhiều "mùa vàng" nhất với tôi. Khi đó, tôi có 3 học sinh đạt giải nhất, 1 giải nhì cấp bộ; 2 giải nhất, 1 giải nhì cấp quốc gia; 1 học sinh đạt huy chương vàng ASEAN, 1 sinh viên được cấp chứng nhận tay nghề ASEAN; 1 học sinh được cử tham dự kỳ thi tay nghề thế giới nghề mộc mỹ nghệ năm 2015 tại Brazil” - anh Thắng phấn khởi chia sẻ về thành tích của các học trò.
Ngoài những thành tích đáng nể kể trên, năm nào anh Hoàng Nhân Thắng cũng có học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề lớn trong nước và xuất sắc dành giải cao và được cử đi thi ở nước ngoài.
Anh Thắng cho biết: “Để chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020, hiện chúng tôi đang tích cực ôn luyện cho 2 em học sinh giỏi nghề mộc mỹ nghệ. Tôi hy vọng rằng, các em sẽ cố gắng thi đấu tốt ở kỳ thi quốc gia, sau đó tham gia các kỳ thi quốc tế như tay nghề ASEAN để đưa hình ảnh tay nghề Việt Nam ra thế giới”.
Đại sứ kỹ năng nghề Hoàng Nhân Thắng chia sẻ, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Thành công của mỗi con người nằm ở chỗ dám lựa chọn, phấn đấu và cống hiến hết mình cho ngành nghề mình đã chọn.
Với tư cách là đại sứ kỹ năng nghề, anh Thắng cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là rất quan trọng và phù hợp với nhu cầu của xã hội, nhất là trong bối cảnh “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay.