Đa số lao động Việt Nam sang Angola làm xây dựng trái phép

(Dân trí) - Những lao động Việt Nam làm xây dựng ở Angola chủ yếu làm xây dựng và nhập cảnh bằng visa du lịch hoặc nhập cảnh bằng visa lao động nhưng làm việc ở nơi khác.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Theo thông tin từ cơ quan chức năng của Angola, hiện có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.  Tuy nhiên đại bộ phận người lao động đều sang Angola làm việc theo kênh không chính thống - bằng visa du lịch.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, người Việt ở Angola chia làm 3 nhóm chính. Trong đó, nhóm 1 là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục sang Angola làm việc theo các Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Nhóm 2 là người thân, họ hàng của các chuyên gia nhóm 1 được bảo lãnh sang cư trú tại  đây. Còn nhóm 3, là những lao động phổ thông sang Angola trong thời gian một vài năm gần đây. Số lượng người thuộc nhóm 3 rất đông. Những lao động Việt Nam làm xây dựng ở Angola chủ yếu là lao động bất hợp pháp, bao gồm cả trường hợp nhập cảnh bằng visa du lịch và ở lại làm việc hoặc nhập cảnh bằng visa lao động nhưng làm việc cho chủ sử dụng khác với chủ sử dụng có tên trên visa lao động.

Ông Lê Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, làn sóng sang làm việc tại Angola vẫn không giảm trong thời gian gần qua do  nhiều người lao động bị cám dỗ vì thu nhập quá cao. Trung bình, mức lương có thể được trả từ 900 - 1.000 USD, thậm chí có tháng tiền lương có thể 1.500 - 1.700 USD. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là mức thu nhập ổn định, bởi do tính chất công việc nên tháng có việc, có tháng lại thất nghiệp.

Ông Quỳnh cho giải thích rõ thêm,  hiện tại các cơ quan chức năng chưa cho phép bất cứ tổ chức cá nhân nào đưa lao động Việt Nam sang Angola làm việc do các điều kiện về hợp đồng chưa đảm bảo. Tuy nhiên theo Luật Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có quyền ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân.

Do vậy để tránh rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở Angola nên lường trước về những rủi ro của thị trường này trước khi quyết định sang nước này làm việc; cảnh giác trước những quảng cáo và hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, thận trọng tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Được biết, phía Angola cũng khẳng định luật pháp nước này không cho phép người nước ngoài đã nhập cảnh vào Angola bằng visa du lịch được chuyển đổi sang visa lao động trong thời gian ở Angola.

Phạm Thanh