1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng: Gần 150.000 người lao động được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

(Dân trí) - Qua rà soát bước đầu, Đà Nẵng đã xác định được gần 150.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ gói an sinh 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg.

Công khai danh sách lao động hưởng vì Covid

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đà Nẵng, kết quả rà soát bước đầu ghi nhận Đà Nẵng có gần 150.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ gói an sinh 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg.

Đà Nẵng: Gần 150.000 người lao động được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 - 1

Đà Nẵng đang triển khai các bước để hỗ trợ cho nhóm lao động

Trong đó, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động/nghỉ việc không lương là 57.464 người; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12.189 người; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm có 11.450 người; lao động không có giao kết hợp đồng lao động có 65.850 người.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, Sở đã gửi văn bản đến các xã, phường để hướng dẫn việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đối với nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh cá thể.

Đà Nẵng: Gần 150.000 người lao động được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 - 2

Những lao động tự do sẽ được công khai danh sách tại xã phường để người dân giám sát

“Bắt đầu từ thứ 2 tuần sau, tất cả các xã phường sẽ triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Sở. Người lao động và các hộ kinh doanh cá thể sẽ làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu đơn có sẵn rồi nộp về các xã, phường”, ông An nói.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, nhóm người có công với cách mạng được nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 42/NQ-CP là 14.000 người, bảo trợ xã hội là 27.000 người, hộ nghèo và cận nghèo là 34.000 người. Từ ngày 29/4, Đà Nẵng đã bắt đầu chi hỗ trợ cho nhóm người có công với hơn 14.000 người, tổng số tiền là 21 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, danh sách các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh và lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc sẽ được niêm yết công khai tại các xã, phường ít nhất 2 ngày làm việc.

Tại đây sẽ có biên bản công khai và ghi chép lại các phản ánh của nhân dân về tính hợp lệ, hợp lý, đảm bảo điều kiện của đối tượng được đề nghị hưởng trợ cấp.

Giải pháp chống trùng khi nhận hỗ trợ

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra các giải pháp chống trùng đối tượng khi giải quyết hỗ trợ.

Cụ thể, đối với các nhóm đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, lấy danh sách người có công làm gốc để chống trùng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, lấy người thuộc hộ nghèo và cận nghèo chống trùng với danh sách người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.

Đà Nẵng: Gần 150.000 người lao động được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 - 3

Theo thống kê ban đầu, có gần 66.000 lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm có nơi tạm trú và thường trú khác nhau ngoài thành phố Đà Nẵng, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND của phường, xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg và ngược lại.

Đà Nẵng: Gần 150.000 người lao động được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 - 4

Các lao động đang mong sớm nhận được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Đối với nhóm người lao động nếu trùng với nhóm người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ được hưởng khoản chênh lệch còn lại.

Ví dụ người lao động bị chấm dứt hợp đồng được hưởng 1.000.000 đồng của tháng 4, nếu trùng với danh sách người có công thì chỉ được hưởng 500.000 đồng (1.000.000 đồng được hưởng - 500.000 đồng đã nhận của tháng 4, còn lại 500.000 đồng).

Nếu người lao động trùng với danh sách nhân khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chỉ được hưởng 750.000 đồng (1.000.000 đồng được hưởng - 250.000 đồng đã nhận của tháng 4, còn lại 750.000 đồng).

Ngoài các đối tượng áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, UBND TP Đà Nẵng còn hỗ trợ các nhóm: người có công, bảo trợ xã hội đặc thù của thành phố; giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập của bậc học mầm non và phổ thông; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm ngoài danh mục các công việc theo điểm c khoản 1 điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, nhóm người có công với cách mạng được nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 42/NQ-CP là 14.000 người, bảo trợ xã hội là 27.000 người, hộ nghèo và cận nghèo là 34.000 người. Từ ngày 29/4, Đà Nẵng đã bắt đầu chi hỗ trợ cho nhóm người có công với hơn 14.000 người, tổng số tiền là 21 tỷ đồng.

Khánh Hồng