1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Bình:

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau gần 20 năm nuôi tôm theo phương thức truyền thống với nhiều rủi ro, cựu chiến binh Mai Văn Bình (Quảng Bình)đã quyết định chuyển sang nuôi tôm trong bể xi măng và đã có hiệu quả ngoài mong đợi.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới

Đưa tôm từ hồ đất sang bể xi măng

Xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là địa phương có hàng chục hộ đang triển khai nuôi trồng thủy sản với hơn 170 ha, trong đó có 85 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Trước đây, người dân địa phương vẫn triển khai nuôi tôm theo phương thức truyền thống ở ao đất. Cách làm này chịu nhiều tác động của thời tiết cũng như môi trường dẫn đến tôm hay bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao và khá nhiều rủi ro.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi tôm kiểu mới trong bể nổi và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 1

Nhà trại nuôi tôm của cựu chiến binh Mai Văn Bình, ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Mai Văn Bình, một cựu chiến binh ở thôn 3, xã Đồng Trạch là người tiên phong tại Quảng Bình xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể nổi xi măng.

Năm 2001, ông bắt đầu nuôi tôm trong ao đất, tuy nhiên do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường, dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao.

Việc ông Mai Văn Bình quyết định đưa tôm từ ao đất sang bể nổi xi măng xuất phát từ một chuyến đi thăm bạn cũ tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 2018. Tại đây, ông lần đầu tiên thấy người dân nuôi tôm trong bể xi măng. Ông lấy làm lạ bởi từ trước đến nay, phương thức nuôi tôm này chưa từng xuất hiện tại quê nhà.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 2

Cựu chiến binh Mai Văn Bình, người tiên phong tại Quảng Bình đưa tôm từ ao đất sang bể nổi xi măng.

Sau khi tìm hiểu và nhận thấy những ưu điểm của việc nuôi tôm trong bể nổi xi măng, vào cuối năm 2019, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống bể nổi với diện tích 500 m2.

Bể nổi được xây dựng hẳn trên mặt đất với chiều cao từ 1,3-1,5 m và bên trên có mái che bằng lưới để hạn chế ánh nắng. Ngoài ra, còn có hệ thống sục ôxy đáy, máy bơm, đường ống và hệ thống lọc nước.

Theo ông Mai Văn Bình, nhờ được thiết kế đồng bộ nên việc nuôi tôm trong bể nổi sẽ giúp người nuôi thuận lợi trong việc chăm sóc và chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, tôm nuôi trong bể nổi luôn đạt tỷ lệ sống trên 95%.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 3

Sau thời gian tìm hiểu, ông Mai Văn Bình đã đầu tư xây dựng 10 bể nổi xi măng để nuôi tôm.

Những kết quả ngoài mong đợi

Ngay từ vụ đầu tiên, mô hình nuôi tôm trong bể nổi xi măng khiến ông Mai Văn Bình bất ngờ, bởi hiệu quả "ăn đứt" phương thức thông thường. Cách nuôi này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, và tăng vượt trội mật độ thả nuôi.

"Nuôi thông thường chỉ đạt 100-150 con giống/m2, nhưng ở bể nổi có thể đạt gấp đôi với mức 300 con/m2. Đặc biệt, mình kiểm soát được nguồn nước, nhiệt độ nước trong hồ, đặc biệt là không hao thức ăn cũng như ngăn chặn được các loài vật khác xâm nhập", ông Mai Văn Bình chia sẻ.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 4

Hệ thống sục khí trong các bể nuôi tôm của ông được đầu tư bài bản, khác hẳn với cách nuôi truyền thống.

Đây là vụ tôm thứ 5 ông triển khai trong bể nổi xi măng, mỗi vụ ông thả nuôi khoảng 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, sau 3-4 tháng, tôm đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg sẽ xuất bán.

Với giá bán từ 200.000-250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Mai Văn Bình thu lãi 350-400 triệu đồng mỗi vụ, mỗi năm 2 vụ cũng lãi ròng gần cả tỷ đồng. Nếu so với nuôi tôm theo phương thức truyền thống thì nuôi tôm trong bể nổi mang lại lợi nhuận cao gấp 3-4 lần. 

Theo ông Mai Văn Bình, khó khăn lớn nhất khi nuôi tôm trong bể xi măng là tiền đầu tư ban đầu lớn. Bên cạnh đó, quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, nhiệt độ nước và thường xuyên thay nước để đảm bảo môi trường sống cho tôm.

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 5

"Trong nuôi tôm thì nguồn nước và thức ăn là 2 yếu tố quan trọng", cựu chiến binh Mai Văn Bình chia sẻ.

Trong nuôi tôm thì nguồn nước và thức ăn là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng. Nước trước khi dẫn vào bể nuôi nhất thiết phải được xử lý kỹ lưỡng thông qua hệ thống sàng, lọc, sẽ tiến hành tiệt trùng, diệt khuẩn.

Hiện, ông cùng 2 người con trai đang là lao động thường xuyên tại hồ tôm. Thời điểm thu hoạch, ông sẽ thuê thêm lao động thời vụ để bán tôm cũng như vệ sinh bể nuôi. 

Cựu chiến binh lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm kiểu mới - 6

Tôm nuôi trong bể nổi xi măng của ông Mai Văn Bình phát triển tốt và giảm thiểu nhiều rủi ro hơn so với nuôi ao đất.

Với những thành công đã đạt được, mô hình nuôi tôm của ông Mai Văn Bình đã được rất nhiều người dân đến tham quan, học hỏi, ông cũng đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển kinh tế.

Bằng những nỗ lực trong phát triển kinh tế, cựu chiến binh Mai Văn Bình đã được UBND tỉnh Quảng Bình cũng như Hội Cựu chiến binh tỉnh này tặng Bằng khen, Giấy khen.

Theo ông Trương Văn Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch, từ những tín hiệu tích cực mà mô hình nuôi tôm trong bể nổi của ông Mai Văn Bình, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này. Đồng thời, xã Đồng Trạch cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu đầu tư xây dựng các bể nổi nuôi tôm.