Cuối năm "đói" lao động phổ thông, doanh nghiệp từ chối khách hàng
(Dân trí) - Cuối năm đông khách hàng, nhiều doanh nghiệp tha thiết tuyển lao động phổ thông nhưng tìm không ra người, việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn.
Chị Lê Thị Hân, quản lý tại công ty vệ sinh tòa nhà T.G ở TPHCM, than thở về việc đang bế tắc trong tuyển lao động phổ thông.
Họ cần tuyển nhân viên vệ sinh, nhà xưởng phục vụ cho các hợp đồng với số lượng "bao nhiêu cũng nhận". Nhưng cả tháng qua chỉ tuyển được 8 người.
"Không tuyển mới được mà những người đang làm, cũng có nguy cơ họ có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào. Vì thiếu người nên nhiều nơi nhân viên phải tăng ca, thế chỗ... để có người làm", chị Hân nói.
Chị Hân cho biết, mức lương của nhân viên vệ sinh tòa nhà ở mức 7 - 8 triệu đồng. Cuối năm, tuyển thời vụ tính theo ngày công dao động 250.000 đồng - 400.000 đồng tùy thời điểm, tính chất công việc.
Rất nhiều công ty dịch vụ như may mặc, nội thất, xây dựng, điện máy, siêu thị... đang nhiều việc trở lại. Họ cần đội ngũ lao động phổ thông như nhân viên vệ sinh, thợ nề, lắp đặt, bốc xếp hàng hóa, bán hàng, vận chuyển... nhưng cũng rơi tình cảnh tuyển không được người.
Anh Nguyễn Tuấn, chủ một vườn mai ở Thủ Đức, TPHCM cũng sắp cần thêm 20 lao động vừa chăm sóc cây, bán hàng, vận chuyển cho dịp Tết sắp tới nhưng giờ chưa biết tìm đâu. Tình hình của vườn mai sẽ căng thẳng nếu không có người làm.
Nhiều công ty điện máy liên tục tuyển thợ vận chuyển, lắp đặt không cần chuyên môn, kinh nghiệm, sẽ được đào tạo nhưng tìm không tìm được người.
"Cứ thế này sắp tới, cả giám sát, nhân viên bán hàng cũng phải... tham gia vào việc giao hàng, vận chuyển, lắp ráp do tình hình không tuyển nổi người", anh Hoàng Khánh, làm việc tại một trung tâm điện máy bộc bạch.
Cũng vì không có người làm, có nơi không dám nhận thêm khách hàng, thậm chí phải từ chối khi khách tìm đến.
"Chúng tôi nhận làm vườn, chăm sóc cây xanh, vệ sinh cho các tòa nhà, gia đình... nhưng không tuyển được người làm. Nên buộc phải giới hạn số lượng hợp đồng, có khi buộc phải từ chối khách hàng", anh Nguyễn Đức Trí, giám đốc một công ty dịch vụ ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết.
"Giăng" mọi cách, chờ trong... vô vọng
Theo kinh nghiệm của một số nhà tuyển dụng trong lĩnh vực mình làm, chị Lê Thị Hân đang tích cực tung mọi cách như tạo nguồn kết nối trên với lao động ở mọi nơi, bên ngoài, trên mạng..., treo băng rôn ở quanh khu vực, ở các khu công nghiệp, kể cả ở các tỉnh.
Vẫn không thể chờ đợi, mới đây, chị Hân còn cho người phát tời rơi, ra đường để kiếm người động. Đồng thời cũng liên hệ qua các trung tâm giới thiệu việc làm hy vọng tìm được nguồn tuyển lao động.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng chấp nhận hạ tiêu chí đầu vào. Có nơi, không cần kinh nghiệm, không thử việc, làm chính thức ngay từ đầu, cải thiện mức lương, phúc lợi... với hy vọng mở rộng đối tượng tuyển nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế là bao.
Việc khó kiếm lao động phổ thông, ý kiến nhiều chuyên gia tuyển dụng, do lương nhưng không chỉ ở lương.
Mặt bằng chung, lương của lao động phổ thông còn thấp nhưng không ít nơi trả lương cho vận chuyển hàng hóa, thợ phụ, vận chuyển... mức lương 10 - 12 triệu đồng - cao hơn nhiều việc làm đòi hỏi bằng cấp - vẫn không dễ tuyển người.
Lương là một yếu tố nhưng cạnh đó phải nói lao động phổ thông, dù nhu cầu cao nhưng lâu nay vận hành theo phương thức tự phát. Việc đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ này chưa được xem trọng nên không thu hút được lực lượng lao động quan tâm đến công việc này.
Nhiều người tham gia kiểu tạm thời, thiếu kỹ năng, chuyên nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu nhưng lại đòi hỏi lương cao quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chưa kể, theo anh Hoàng Khánh bây giờ nhiều người không quá khó khăn để mưu sinh theo những phương thức linh hoạt ít ràng buộc chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online.... Điều này dẫn đến nhiều lĩnh vực ngành nghề không thu hút được người lao động.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), từ giờ đến cuối năm, nhu cầu việc làm tại TPHCM sẽ sôi động trở lại. Trong đó, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chiếm 15,42% tập trung chủ yếu ở các nghề: Dịch vụ phục vụ, Dệt may - Giày da, Nhựa - bao bì, Kinh doanh tài sản - bất động sản, Kinh doanh thương mại,…
Cụ thể, không ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm không đòi hỏi kinh nghiệm như công nhân bốc xếp hàng, thu ngân siêu thị, phụ bếp, cộng tác viên bán hàng, nhân viên partime, phục vụ quán ăn, công nhân may...
Hoài Nam