Cuối năm, cai thầu xây dựng trả 500.000 đồng/ngày nhưng vẫn thiếu thợ giỏi
(Dân trí) - Xu hướng xây, sửa chữa nhà cửa để kịp cho gia chủ đón Tết khiến nhu cầu tuyển dụng thợ xây tăng cao, nhiều cai thầu ở Hà Nội không ngần ngại trả giá cao để chiêu mộ thợ giỏi.
"Khát" thợ xây
Mấy năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, theo đó các cánh thợ xây thường làm không hết việc. Nhất là dịp cuối năm những người thợ xây trở nên "đắt khách" khi mà nhu cầu sửa chữa, xây nhà mới để đón Tết của người dân tăng cao.
Là một cai thầu có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Hùng trú tại xã Phú Túc (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Năm nào cũng vậy, 2-3 tháng cuối năm nghề thợ xây luôn bận rộn nhất. Năm nay, dịch Covid-19 làm các công trình dừng vài tháng giữa năm. Điều này càng khiến các việc hoàn thiện các công trình dồn vào cuối năm nhiều hơn".
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, công việc thợ xây "khát" lao động vào dịp cuối năm là do nhiều gia đình có nhu cầu xây, sửa chữa lại nhà cửa để đón năm mới, ngoài ra những công trình khởi công hồi đầu năm cũng đang gấp rút hoàn thiện.
Được biết, từ đầu năm đến nay ông Hùng nhận 19 công trình nhà ở. Với 50 người thợ, nhưng ông không khỏi lo lắng về tiến độ khi có tới 14 căn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
"Công đoạn hoàn thiện, bao gồm trát, đắp vẽ phào chỉ, ốp lát,… Là những công việc rất mất thời gian và cần cẩn trọng vì là mặt tiền của ngôi nhà. Một người thợ lành nghề cùng với một người phụ, mỗi ngày chỉ hoàn thiện được vài mét vuông nên cần rất nhiều thợ mới kịp tiến độ" - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Cũng đang "đỏ mắt" tìm thợ xây cho 13 công trình dang dở, anh Trần Văn Thu quê ở Xuân Trường (Nam Định) đem theo cánh thợ cùng quê lên Hà Nội nhận công trình cho rằng, cuối năm là dịp thợ xây làm không hết việc.
"Nhiều gia chủ tìm đến tôi để thuê thợ cải tạo nhà nhưng không dám nhận vì còn nhiều nhà cần phải hoàn thiện trước Tết Nguyên đán. Tôi đang có 25 thợ chính và 5 phụ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, cần phải tuyển thêm 5 thợ và 2 phụ nữa" - anh Trần Văn Thu cho biết.
Theo anh Trần Văn Thu, ngày đổ móng, cất nóc, về nhà mới được định trước từ đầu và thường chỉ diễn ra trong một năm hợp nhất đối với chủ nhà nên hợp đồng thường phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng.
Ngoài ra, anh Trần Văn Thu cho rằng, nghề thợ xây khá nguy hiểm và nhiều rủi ro nên giới trẻ làm nghề này càng ngày càng ít đi khiến việc tìm thợ gặp nhiều khó khăn.
Sẵn sàng trả công cao
Cũng theo anh Trần Văn Thu, việc hoàn thiện ngôi nhà sớm trong năm còn liên quan đến việc thanh toán công thợ nên thời điểm này, hầu hết các cánh thợ đều đang gấp rút làm việc.
"Không phải ai cũng có thể trở thành một người thợ xây lành nghề, có thể hoàn thiện được những công đoạn trát, vẽ, ốp lát. Người nào học nhanh, biết việc và khéo léo cũng phải mất từ 5 đến 10 năm, không ít người làm thợ gần hết cuộc đời mà chỉ dừng lại ở trình độ xây mộc nên việc tuyển người mới có trình độ vô cùng khó khăn" - anh Trần văn Thu nói.
Để có thể giữ được những tay nghề cao, những người làm cai thầu như anh không ngần ngại trả thù lao lên đến 500.000 đồng/ngày cho những người thợ "cứng". Theo anh Trần Văn Thu, thợ xây đa số làm việc không có hợp đồng và ràng buộc, chỉ cần cai thầu khác trả giá cao hơn là họ sẵn sàng rời đi.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, để đảm bảo tốc độ công việc, thợ phụ cũng cần là những người biết việc và chịu khó. Với mức lương 300.000 đồng/ngày cho một thợ phụ ông vẫn đang loay hoay tìm cho mình 3 người nữa.
Công việc gấp rút là thế những theo ông Nguyễn Văn Hùng, việc bảo đảm chất lượng công trình luôn được các cánh thợ chú trọng. Ông nói: "Cả cuộc đời con người mới xây được cái nhà nên gia chủ thường rất cầu kỳ và kỹ tính, từ chất lượng đến thẩm mỹ nên không thể vì vội mà ẩu được. Hàng ngày tôi trực tiếp cùng làm việc với anh em tại hiện trường, giám sát chất lượng, tiến độ thi công. Như thế mới giữ được uy tín. Không ít chủ cánh thợ xem nhẹ trách nhiệm, phó mặc cho thợ mà mất khách".
Cũng đi lên từ thợ phụ, thợ chính rồi làm đầu cánh. Thấu hiểu nỗi vất vả của những người thợ, nhất là những ngày cuối năm cần tăng tốc công việc nên ông Nguyễn Văn Hùng trả lương xứng đáng, thường xuyên có chế độ ưu đãi, thưởng cho những người chịu khó, tận tụy với công việc. Sự khích lệ này đã giúp ông thu hút được nhiều lao động tay nghề cao.