“Cược“... tính mạng để mưu sinh

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt tại các thành phố lớn những với cao ốc, khách sạn, toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại mọc lên như nấm sau mưa kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ dọn dẹp vệ sinh, bảo dưỡng các công trình ngày một gia tăng.

Nghề “Ôsin công nghiệp” cũng phát triển từ đó với bao khổ ải, nhọc nhằn phía sau các cửa kính bóng bẩy.

Nhọc nhằn nghề tưởng đơn giản

Khác với “ôsin” trong gia đình hay ở siêu thị, nghề "ôsin công nghiệp" đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thực hiện công việc theo một quy trình định sẵn và hoàn thành bởi nhiều người khác nhau. Môi trường làm việc vô cùng nguy hiểm và độc hại, đó là khói bụi, hóa chất tẩy rửa, nhưng công cụ bảo hiểm lại rất thô sơ.

Hình minh họa

Hình minh họa

Đào Văn Hùng, quê Nghệ An, năm ngoái thi trượt đại học theo bạn bè rủ vào làm công nhân vệ sinh cho tòa nhà cao tầng tại đường Tô Hiệu, phường Hà Cầu, Hà Đông. Hùng cho biết: “Mấy tuần đầu vào làm chỉ quét dọn nền nhà và khuân vác phế liệu tuy có nặng nhọc và bụi bẩn nhưng đeo khẩu trang thì em vẫn chịu được, nhưng mấy hôm nay đến khâu cạo sàn và đánh bóng sàn nhà thì không thể chịu nổi vì hóa chất tẩy rửa”.

Theo lời anh bạn trẻ, Hùng và hai người nữa được phân công trong buổi sáng phải cạo sạch sàn của căn phòng khoảng 20m2. Chỉ còn lại một góc “to bằng cái cái rổ” không cạo được, cả nhóm công nhân phải đổ axit để cho bở lớp xi măng.

“Mới đổ có mấy phút thì axit sủi bọt bốc khói nồng nặc hết cả phòng. Em thì chóng mặt, còn hai chị kia chạy vội ra ngoài nôn thốc, nôn tháo mặt mũi nhợt nhạt, xin nghỉ giải lao thì quản lý bảo còn hơn tiếng nữa mới đến giờ. Em cũng chỉ cố làm thêm mấy ngày nữa cho đủ tháng rồi xin nghỉ làm việc khác”, Hùng tỏ ra nản.

Một nghề khác là lau cửa kính nhà cao tầng cũng không kém phần nguy hiểm. Do lau kính bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian, công sức và rất nguy hiểm cho tính mạng khi công nhân thường xuyên phải làm việc trên cao.

Nguyễn Văn Định, quê Hà Nam cho biết, anh lên Hà Nội đã ngót chục năm. Anh đã làm đủ thứ nghề từ thợ xây, bảo vệ, lau cửa kính, lăn sơn. Tuy đã mấy lần chết hụt mấy lần với nghề, nhưng mỗi khi có mối gọi đi lau kính nhà cao tầng là anh lại theo đồng nghiệp tiếp tục “đu dây”.

Lý do để anh đeo bám nghề này là vì tiền công “tương đối tươm”, khoảng 300 nghìn đồng/ngày tùy vào độ cao của tòa nhà - cao hơn nhiều so với những nghề lao động phổ thông khác.

Hỏi chuyện “đã có ai tử vì nghiệp chưa?”, anh Định bảo “cũng nghe anh em trong nghề thường xuyên kể chuyện đội thợ ở chỗ nọ, chỗ kia có người mất mạng, què chân, gẫy tay vì dây thừng đứt, lộn nhào khỏi ghế vì hoa mắt. Nghe mà lạnh sống lưng nhưng vẫn phải làm chứ biết làm sao được. Cái nghiệp nó gắn vào thân rồi”.

Chưa được coi trọng

Anh Nguyễn Trọng Khánh - cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khoa học công nghệ, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chia sẻ, mặc dù nghề lau kính, sơn tường có thu nhập tương đối khá đối với lao động phổ thông, nhưng để tuyển thợ cho nghề này không phải dễ, vì phải chọn người có sức khỏe và gan dạ.

“Có rất nhiều người sau khi tuyển vào làm được vài hôm đã bỏ vì sợ nguy hiểm. Cũng có nhiều người rất khỏe mạnh, cam đảm, nhưng khi leo lên những tòa nhà cao tầng lại có biểu hiện sợ độ cao, chóng mặt, buồn nôn. Thấy thợ có biểu hiện như thế, quản lý phải lập tức đưa xuống và cho tạm dừng công việc” – anh Khánh nói.

Nguy hiểm thế, nhưng không phải công ty nào khi sử dụng lao động cũng chú trọng đầu tư tốt bảo hộ cho công nhân, đặc biệt là thang treo cho thợ lau kính. Lao động phổ thông trình độ học vấn thấp, nhưng khâu đào tạo tập huấn thường sơ sài qua loa, dẫn đến ý thức người lao động còn kém, như cười đùa trong khi làm việc, vừa làm vừa hút thuốc, mất tập trung trong lúc làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm tại các tòa nhà cao tầng.

Bên cạnh đó lao động phổ thông cũng chỉ mang tính thời vụ, khi tuyển dụng cũng chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào ràng buộc giữa chủ sử dụng và người lao động, vì thế gần như người lao động không mấy ai biết đến bảo hiểm hay là các khoản phụ cấp độc hại, thêm giờ. Nếu so với công nhân vệ sinh môi trường “chính quy”, thì thu nhập bình quân của nghề “ô sin công nghiệp” không bằng phân nửa, trong khi độ gian khổ, nguy hiểm, độc hại thì có khi còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, trên thị trường cũng đã hình thành những công ty vệ sinh công nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, với các công nhân được đào tạo bài bản, khám sức khỏe, được cấp chứng chỉ hành nghề đàng hoàng cùng chế độ thu nhập tương xứng công sức lao động.

“Ô sin công nghiệp” đang trở thành một cơ hội kinh doanh tốt cho giới chủ, cùng với sự phát triển của dịch vụ này, hy vọng những lao động phổ thông như anh Hùng, anh Định nói trên rồi cũng sẽ “sống” được với nghề.

Theo Xuân Hân
Pháp luật Việt Nam