Kon Tum:

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn

Phạm Hoàng Thu Hiền

(Dân trí) - Cuộc sống ở quê nhà khốn khó, nhiều người tìm đến Kon Tum, nay đây mai đó khai thác nhựa thông. Thu nhập từ nghề này chưa cao, đòi hỏi sự cần mẫn của người lao động để an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới.

Dưới những cánh rừng thông ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, Kon Tum) đang có hàng chục chiếc lều tạm nằm rải rác trên các sườn núi. Đây là nơi tá túc của những người làm nghề cạo nhựa thông, di cư từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Giang.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 1

Những người dân phía Bắc thường lên Tây Nguyên dựng lán tạm bợ để làm nghề khai thác nhựa thông.

Trên sườn đồi thông, chị Đặng Thị Liễu (41 tuổi, quê Nam Định) đang nấu cơm trưa trong căn lều dựng tạm. 

Chị Liễu tâm sự, nhiều năm trước, do cuộc sống không hạnh phúc, chị đã cùng 3 con rời quê đến vùng trồng thông huyện Đăk Tô này xin việc làm. Được một thời gian, con gái lớn 21 tuổi đã trở lại quê nhà làm nghề may, hai con nhỏ hơn, một mới 8 tuổi, một vừa 15 tuổi sống tạm bợ cùng mẹ trong túp lều giữa đại ngàn.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 2

Những người thợ cạo nhựa thông nay đây, mai đó, thường không ở ổn định một chỗ.

"Tôi không nhà, không cửa và không có đất đai canh tác. Không còn cách nào khác nên tôi đã lên đây xin làm công nhân cạo nhựa thông. Tôi mong công việc này có thể mang lại chút vốn để lập nghiệp trên vùng đất mới", người mẹ cùng các con tha hương mưu sinh chia sẻ.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 3

Với nghề cạo nhựa thông, chị Liễu kiếm được 7-9 triệu đồng/tháng.

Chị Liễu đang nhận khoán 4.500 cây thông để cạo lấy nhựa, thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí ăn uống và lo cho 2 người con, chị ki cóp từng đồng tiền dư ít ỏi để tiết kiệm.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 4

Chị Liễu mong muốn dành được chút vốn rồi mua đất, xây nhà để an cư, lạc nghiệp.

Gần lán của chị Liễu là túp lều phủ bạt sơ sài của ông Mai Hồng Phượng (63 tuổi, quê huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).

Ông Phượng kể, những người làm nghề cạo nhựa thông như ông thường sống cuộc đời du mục, nay đây mai đó. Trong gần chục năm qua, ông đã dựng 3 căn lều tạm như thế này ở các xã Măng Ri, Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) và mới xuống xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) được vài năm.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 5

Hơn 30 năm nay, ông Phượng đã đi gần chục tỉnh, thành để khai thác nhựa thông.

"Người làm nghề cạo nhựa thông không ở yên một chỗ. Nghe vùng nào có người thuê thì tôi lại khăn gói tới đó dựng lán ở. Công việc cạo nhựa thông rất khó khăn, khắc nghiệt khi phải sống trong lều tạm, trong môi trường ẩm ướt, thiếu thốn đủ bề", ông Phượng tâm sự.

Ông Phượng đang nhận khoán khoảng 3.500 cây thông ở xã Đăk Trăm để cạo nhựa, thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Số tiền này ông đều dành để gửi về cho gia đình lo việc nhà cửa.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 6

Công việc khai thác nhựa thông rất vất vả vì những người thợ phải sống trong điều kiện khó khăn, ẩm thấp và thiếu thốn đủ bề.

Công việc cạo nhựa thông bắt đầu từ lúc trời còn chưa hết hơi sương. Để thu được nhựa thông, ông Phượng, chị Liễu cùng những người thợ khác phải len lỏi qua bụi rậm, cây gai chằng chịt. Sau khi phát quang xung quanh thân cây, người thợ tiện trên vỏ cây một đường tròn cho nhựa chảy xuống túi.

Mỗi cây thông sẽ cho khoảng từ 0,5-1kg nhựa trong một tháng. Mỗi ngày, người thợ phải đều đặn cạo lớp vỏ cây thông để cho nhựa chảy ra. Rồi lấy túi ni lông gắn lên thân cây để chờ nhựa thông chảy xuống. Cuối tháng, khi nhựa thông đông cứng thì người thợ sẽ gom các túi ni lông này lại, đóng gói rồi mang đi giao cho chủ hàng.

Cuộc sống du mục của thợ cạo nhựa thông giữa đại ngàn - 7

Những đứa trẻ trong xã cũng đến làm thuê để có tiền trang trải dịp nghỉ hè.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, toàn xã có khoảng 22 người từ các tỉnh phía khác đến đây làm nghề cạo nhựa thông.

"Những người này thường chỉ sống trên địa bàn xã vài năm rồi lại di chuyển sang nơi khác. Chính vì vậy, họ phải dựng những chiếc lều bạt ở tạm giữa rừng thông. Khi đến địa phương làm việc và sinh sống, UBND xã hỗ trợ những người này làm thủ tục đăng kí tạm trú" - ông Trương Đình Tuệ cho biết thêm.