1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ "bùng nổ"?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Ly nông nhưng không ly hương là mục tiêu Nghệ An đang hướng tới. Tuy nhiên, để giữ được chân người lao động ở lại quê nhà lại là bài toán không dễ giải quyết.

"Rào cản" gắn bó với quê hương

Anh Nguyễn Công Giáp (trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Anh là công nhân kỹ thuật điện tại một công ty ở tỉnh Bắc Ninh. Vợ của anh là giáo viên một trường tư thục, đang nghỉ sinh con.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 1

Sau gần 4 tháng về quê tránh dịch, chị Thái Thị Tuyền đang lưỡng lự giữa việc ở lại quê nhà làm việc hay tiếp tục tha hương (Ảnh: Hoàng Lam).

Cách đây 3 tháng, mặc dù dịch Covid-19 ở Bắc Ninh đã được kiểm soát tốt nhưng anh Giáp vẫn quyết định xin nghỉ việc để về quê. Thất nghiệp nên anh chấp nhận ai thuê gì làm nấy, từ công việc phụ hồ đến làm thợ điện.

Khi hỏi về kế hoạch việc làm sắp tới, người đàn ông này lắc đầu "chưa tính đến, chờ hết dịch đã". Mặc dù vậy, anh Giáp vẫn bỏ ngỏ khả năng quay lại Bắc Ninh làm việc.

"Ngoài đó lương tôi tầm 8-9 triệu đồng/tháng, ở Nghệ An khó đạt mức thu nhập này, hơn nữa cũng không có nhiều cơ hội việc làm đúng với chuyên ngành của tôi", anh Nguyễn Công Giáp chia sẻ.

Tương tự, vợ chồng chị Thái Thị Tuyền (huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng đang phân vân giữa việc ở lại quê tìm việc hay tiếp tục "tha hương".

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 2

Người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An tìm kiếm cơ hội về công việc mới (Ảnh: Hoàng Lam).

 "Thực ra tôi cũng muốn tìm việc ở quê để gần gia đình, nhất là sau đợt dịch này mới thấm thía phận lao động xa quê. Nhưng nói thật lương tối thiểu vùng của Nghệ An thấp, trong khi đó chi phí sinh hoạt cũng không rẻ, nếu làm việc trong huyện, sáng đi, tối về thì giảm được tiền thuê trọ nhưng làm cả ngày rồi di chuyển quãng đường dài về cũng mất sức và sợ không an toàn", chị Tuyền tâm sự.

"Dịch Covid-19 "kéo" tôi về quê chứ không phải lương hay mức thu nhập", chị Nguyễn Thị Nga (công nhân một công ty chuyên về thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An) nói.

Chị Nga làm công nhân ngoài Bắc, năm ngoái vì lí do gia đình nên xin nghỉ về quê. Sau đó vướng dịch nên không quay trở lại công ty mà xin vào làm việc ở đây.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 3

Trong 2 năm qua, hoạt động này bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cung và cầu lao động khó gặp nhau (Ảnh: TT dịch vụ việc làm Nghệ An).

"Hiện thu nhập của tôi là gần 7 triệu đồng nếu tăng ca đủ các ngày trong tháng, thấp hơn gần 2 triệu đồng so với thu nhập ở công ty cũ. Nếu mức lương tối thiểu vùng nâng cao hơn, tôi nghĩ nhiều người sẽ lựa chọn về quê thay vì phải đi xa", nữ công nhân này tâm sự.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp

UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án việc làm giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 lao động, bình quân mỗi năm có 42.000 lao động.

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết: "Theo đề án việc làm vừa được phê duyệt, trong 5 năm tới, lao động nội tỉnh sẽ tăng từ 37% lên 66%; giảm lao động ngoại tỉnh từ 29% xuống còn 6,5% và xuất khẩu lao động cũng sẽ giảm từ 34% xuống 27%".

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 4

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An: Làm tốt hơn nữa công tác kết nối để "cung" và "cầu" lao động gặp nhau (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, khó khăn lớn nhất là gặp nhau giữa cung và cầu lao động. Đây được xác định là giải pháp then chốt trong nhóm giải pháp tăng việc làm nội tỉnh, trong đó có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, cũng cho rằng, kết nối cung - cầu lao động có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giữ chân người lao động. Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp của đơn vị.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 5

Người lao động tại Nghệ An tìm kiếm thông tin việc làm qua các ứng dụng mạng xã hội (Ảnh: Hoàng Lam).

"Chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tư vấn online qua Fanpage, Zalo, Facebook nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Tôi nghĩ rằng, ngoài sự cố gắng, trách nhiệm của các đơn vị chức năng thì việc tuyên truyền để người lao động biết và tìm đến kênh tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí này cũng như nắm bắt thông tin vị trí việc làm cần phải có sự vào cuộc từ chính các địa phương", ông Lê Hải Dương nhấn mạnh.

Ông Dương cho rằng, mức lương cơ sở vùng không phải là rào cản đối với người lao động bởi nó đã được tính toán trên cơ sở các điều kiện, kinh tế xã hội của từng địa phương. Mặt khác, quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp cho thấy các chế độ phúc lợi cũng đã được quan tâm hơn với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí cho người lao động.

Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An (Khu công nghiệp Vsip Nghệ An) đang có kế hoạch tuyển dụng 1.000 lao động để bổ sung vào lực lượng lao động hiện có nhằm đáp ứng đơn hàng khi dịch Covid-19 được kiểm soát. 

Cuộc di cư lao động lịch sử: Nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ? - 6

Công ty Luxshare - ICT Nghệ An là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Nghệ An tới thời điểm này xây dựng khu ký túc xá với 8.000 chỗ ở miễn phí cho công nhân.

Đây là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Nghệ An thời điểm này có khu ký túc xá, có thể đáp ứng được 8.000 chỗ ở miễn phí cho công nhân. Ngoài ra, công ty hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho công nhân và 500.000 đồng/tháng cho cán bộ nếu thuê chỗ ở bên ngoài.

Doanh nghiệp này cũng có nhiều khoản hỗ trợ cho người lao động như tiền ăn 1,1 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ xăng xe đi lại... Người lao động tại doanh nghiệp này có mức thu nhập trung bình mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng tùy vị trí việc làm.

Công ty TNHH Vietglory (đóng tại xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An) đang có nhu cầu tuyển dụng 6.000 lao động từ nay đến đầu năm sau để đáp ứng yêu cầu sản xuất sau dịch Covid-19, trong đó trước Tết Nguyên đán tuyển dụng 2.000 lao động.

Doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng một nhà máy quy mô 10.000 lao động tại xã Liên Thành, huyện Yên Thành vào năm sau nếu dịch lắng xuống.

Công nhân công ty Vietglory_Diễn Trường_Diễn Châu_Nghệ An_D.jpeg

Công nhân Công ty TNHH Vietglory trong giờ làm việc. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2022, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, công ty này sẽ tuyển dụng khoảng 16.000 lao động cho 2 nhà máy tại Diễn Châu và Yên Thành (Ảnh: D.Thanh).

Ông Phạm Quang Sáng - Trợ lý Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Vietglory cho rằng, di cư lao động do dịch Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn lao động có chất lượng, có kinh nghiệm.

Tùy vị trí việc làm, người lao động tại công ty có mức thu nhập từ 4,5-10 triệu đồng/tháng, ngoài ra công ty còn có chính sách hỗ trợ xăng xe đi lại và một phần chi phí thuê nhà ở cho công nhân lao động ở xa.

"Với mức thu nhập này so với chi phí sinh hoạt, đi lại tại địa phương và các trung tâm công nghiệp lớn như: Hà Nội, Bắc Giang hay TPHCM, Bình Dương... thì không phải là thấp. Khi người lao động gắn bó với công ty, sẽ có thêm nhiều khoản hỗ trợ như tiền thâm niên, trợ cấp nghiệp vụ khoảng 2 triệu đồng. Càng gắn bó với công ty thì thu nhập càng cao và ổn định", ông Sáng cho hay.

Ông Lê Hải Dương đánh giá nhu cầu lao động thời gian tới sẽ tăng cao khi dịch được khống chế, các doanh nghiệp bước vào thời kỳ phục hồi, đẩy mạnh sản xuất. "Việc làm nội tỉnh không thiếu, vấn đề ở đây là người lao động cần phải tính toán, cân nhắc để có định hướng công việc phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của bản thân", ông Dương nói.