1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cúc mâm xôi "cháy hàng", nông dân lãi 800 triệu đồng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Theo nhiều nhà vườn ở Sa Đéc (Đồng Tháp), toàn bộ các loại cúc mâm xôi ngũ sắc trên địa bàn đều được thương lái đặt mua, nông dân trồng hoa có thể lãi gấp 3 lần mọi năm.

Còn chưa đầy 10 ngày nữa là tết Dương lịch 2024, cũng là ngày khai mạc Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp). Khắp những cánh đồng hoa ở thành phố này đều tràn ngập không khí nhộn nhịp, những luống hoa cũng đua nhau khoe sắc.

Cúc mâm xôi cháy hàng, nông dân lãi 800 triệu đồng - 1

Những chậu cúc mâm xôi giống mới với đủ màu rực rỡ (Ảnh: Phạm Trung).

Ngoài cúc mâm xôi màu vàng truyền thống, năm nay nhiều nông dân ở Sa Đéc lần đầu tiên đã trồng cúc mâm xôi ngũ sắc giống ngoại để bán thương phẩm. Giống cúc mâm xôi mới từ Hà Lan, Hàn Quốc với đủ màu đỏ, hồng, cam, tím… khiến cánh đồng hoa của thành phố thêm rực rỡ.

Nhà vườn tăng gấp 5 công suất

Tổ hợp tác hoa, kiểng ở khóm Tân An, phường An Hòa năm nay trồng hơn 230.000 chậu hoa các loại, tăng hơn 3 lần so với các năm trước. Khu vườn có 10.000 chậu cúc mâm xôi giống mới của tổ hợp tác đang trở thành tâm điểm của thành phố, mỗi ngày đón trên 100 đoàn khách tham quan.

Nhà vườn cho biết, cúc mâm xôi giống ngoại cũng có quy trình chăm sóc khá tương đồng với những giống hoa truyền thống. Nhưng trong khi hầu hết hoa Tết truyền thống có giá 50.000-80.000 đồng/chậu, thì những chậu cúc mâm xôi mới lạ dù có giá đến 200.000 đồng/chậu vẫn được khách ưu tiên lựa chọn.

"Chưa năm nào tôi trồng hoa mà bán được giá và hết sớm như năm nay, tôi vô cùng phấn khởi", anh Đặng Quang Giàu (ngụ tại phường An Hòa) chia sẻ.

Cúc mâm xôi cháy hàng, nông dân lãi 800 triệu đồng - 2

Vườn cúc trong giai đoạn đẹp nhất, mỗi ngày có cả trăm đoàn khách ghé thăm (Ảnh: Phạm Trung).

Anh Giàu cho biết, năm nay gia đình anh trồng 70.000 chậu bông, tăng gấp 5 lần mọi năm. Các giống hoa chủ yếu là cúc mâm xôi, hồng, vạn thọ…

Sau nhiều năm thử nghiệm kỹ thuật, Tết này anh Giàu quyết định trồng 5.000 chậu cúc mâm xôi giống mới, tất cả đều đã được đặt mua. "Người đặt nhiều lắm, nếu có thêm 10.000 chậu nữa tôi sợ vẫn không đủ bán", anh Giàu vui cười cho biết thêm.

Không riêng anh Giàu, cả 11 nhà vườn trong Tổ hợp tác trồng hoa ở phường An Hòa đều đã "cháy" hàng. Thậm chí, có người tăng công suất lên cả chục lần so với năm trước nay cũng đã bán sạch. 

"Thu nhập mùa Tết thường chiếm một nửa thu nhập cả năm của người trồng hoa. Năm nay người trồng hoa ở Sa Đéc như có 2 cái Tết, tết Dương lịch lại thu nhập tốt hơn tết Âm lịch nên ai cũng mừng.

Tết năm nay thu tiền tỷ thì không dám nói, nhưng mừng lắm, lãi cỡ 700-800 triệu đồng chắc sẽ được. Vì năm nay trồng nhiều nên tôi thuê 10 người đến phụ", anh Giàu cho biết thêm.

Cũng trồng hoa ở phường An Hòa, anh Trần Thanh Lâm kỳ vọng năm nay có lãi gấp đôi năm ngoái. Trồng 20.000 chậu bông, chủ yếu là hoa hồng, anh Lâm ước chừng Tết này thu về trên 180 triệu đồng.

"Lứa hoa này có người đặt rồi, bán hết tôi sẽ lấy cây con loại giống ngắn ngày về trồng, vẫn kịp cho Tết cổ truyền", anh Lâm nói.

Cúc mâm xôi cháy hàng, nông dân lãi 800 triệu đồng - 3

Năm nay nhà vườn Sa Đéc có 2 Tết lớn, thu nhập tăng gấp bội (Ảnh: Phạm Trung).

Anh Phạm Thanh Tâm (ngụ phường Tân Quy Đông) cho biết, nhằm tận dụng tốt lợi ích từ lễ hội, anh đã đầu tư thêm 200 triệu đồng để sửa sang vườn hoa hồng của mình thành không gian chợ hoa. Cùng với loạt tiểu cảnh đã được xây dựng từ trước, anh Tâm tin tưởng sẽ có thu nhập cao và để lại ấn tượng tốt với du khách.

"Tôi bán bông, bán cả tình người bán bông" là chủ đề của vườn hoa nhà anh Tâm trong mùa lễ hội năm nay.

Ông Nguyễn Phước Lộc, chủ vườn kiểng ở xã Tân Khánh Đông cũng đã thuê thêm nhiều nhân công để dọn sửa vườn kịp phục vụ lễ hội. Ông Lộc là một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất ở Sa Đéc, sở hữu nhiều tác phẩm kiểng được xác lập kỷ lục Việt Nam.

"Chúng tôi đã chờ lễ hội này 10 năm rồi. Ai cũng mừng, sẵn sàng góp công sức, tiền bạc để chỉnh trang đô thị. Hội sinh vật cảnh chúng tôi đã xin phép thành phố để tự bỏ tiền tỷ xây dựng dòng sông hoa cho khách tham quan", ông Lộc nói.

Sa Đéc sẽ là thành phố hoa

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I có chủ đề "Tình đất - Tình hoa", diễn ra từ 30/12/2023 đến 5/1/2024. Sự kiện có gần 20 chương trình như không gian hoa, đường hoa, phiên chợ hoa, show diễn nghệ thuật trên sông… hứa hẹn mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh này đã có nghị quyết xây dựng Sa Đéc thành thành phố hoa độc đáo bậc nhất miền Tây.

Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết, để góp phần chuẩn bị cho lễ hội, địa phương đã đầu tư 140 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp quảng trường TP Sa Đéc. Công viên hoa Sa Đéc tiếp giáp quảng trường cũng đang được nâng cấp để tạo ra không gian hoa rộng hơn 23ha.

Ngoài ra, các trục đường, nhiều dòng sông ở TP Sa Đéc cũng sẽ được trang hoàng. Hơn 200.000 giỏ hoa sẽ được huy động để trang trí phục vụ Festival. Địa phương cũng tổ chức các chương trình ẩm thực đặc sản, thời trang hoa... suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Cúc mâm xôi cháy hàng, nông dân lãi 800 triệu đồng - 4

Sa Đéc có khoảng 200ha trồng hoa hồng với gần 100 giống khác nhau, đây là loài hoa đặc trưng của thành phố (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo bà Bình, nghề trồng hoa ở Sa Đéc có lịch sử trên 300 năm. Năm nay TP Sa Đéc có 950 ha đất trồng hoa kiểng, tăng hơn 220ha so với năm 2022.

Nông dân Sa Đéc đang trồng hơn 2.000 giống hoa, trong đó có gần 100 giống hoa hồng. Hơn 4.000 hộ dân tham gia hoạt động sản xuất hoa kiểng, chiếm một nửa số nông hộ toàn thành phố. Ngành hàng hoa mỗi năm thu về trên 3.200 tỷ đồng.

Các vườn hoa không chỉ mang lại thu nhập từ bán sản phẩm, dịch vụ du lịch đã giúp nhiều nông dân trở nên giàu có.

"Thành phố tổ chức lễ hội hoa dựa theo mong muốn của người dân. Sự kiện nhằm tôn vinh người trồng hoa, kết nối giao thương, kích cầu du lịch. Dự kiến ngân sách chỉ đóng góp khoảng 30% kinh phí tổ chức, khoảng 70% kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa", bà Bình cho biết.