1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Cử nhân thất nghiệp nhan nhản, sao tỷ lệ đào tạo nghề vẫn thấp?

Đặng Dương

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Đắk Nông đến tháng 9/2023, tỉnh này đào tạo nghề cho hơn 1.900 người, tuy nhiên chỉ có 10 người có trình độ cao đẳng, còn lại là người có trình độ trung, sơ cấp.

Ngày 26/10, tại buổi họp báo của UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh này thông tin đến cuối tháng 9, số lao động được tạo việc làm là hơn 14.000 lượt người, đạt 77,52% so với kế hoạch năm 2023, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (đạt hơn 81%).

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 1.900 người đã tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên theo thống kê, người lao động chủ yếu là tốt nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp; người tốt nghiệp trình độ cao đẳng chỉ có 10 người. Số lượng này chỉ đạt dưới 50% kế hoạch năm 2023.

Cử nhân thất nghiệp nhan nhản, sao tỷ lệ đào tạo nghề vẫn thấp? - 1

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông thông tin về tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm (Ảnh: Đặng Dương).

Lý giải về việc tỷ lệ lao động được đào tạo nghề thấp, ông Hoàng Viết Nam, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh chỉ có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông và Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam.

Trong thời gian qua, các đơn vị chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, theo nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Về tình hình việc làm của học viên đã qua đào tạo, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết do Đắk Nông rất ít doanh nghiệp lớn, nhu cầu tuyển dụng không cao, nên khi tốt nghiệp, học viên được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới thiệu ra ngoài tỉnh làm việc. Tuy nhiên thực tế khi đi làm việc tại các doanh nghiệp, do nhiều lý do mà các học viên này đều nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác.

"Hiện nay, việc tuyển sinh học viên vào trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông tương đối khó khăn. Nguyên nhân là kết quả phân luồng học sinh chưa tốt; cơ sở vật chất của nhà trường cũng chưa đồng bộ, chưa thu hút được học viên", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng một trong những khó khăn dẫn tới tỷ lệ người được đào tạo nghề của địa phương còn thấp là do các trường nghề chưa được tổ chức dạy học văn hóa.

"Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường nghề phối hợp với các trường THPT để tổ chức dạy học văn hóa. Sắp tới, đây có thể là yếu tố giúp các trường nghề của tỉnh Đắk Nông thu hút thêm học viên", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh bổ sung ý kiến của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH.