1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cử nhân rời phố về quê nuôi con "ngủ ngày, cày đêm" thu trăm triệu đồng/năm

Ngô Linh

(Dân trí) - Từ bỏ công việc văn phòng để về quê nuôi chồn hương, đến nay anh Huỳnh Viên Mãn đã hái "quả ngọt" với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cử nhân rời phố về quê

Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, có công việc ổn định với mức thu nhập khá, nhưng không thể khiến anh Huỳnh Viên Mãn (31 tuổi, trú thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) gắn bó lâu dài.

Tự nhận mình là "chân chạy", không thích gò bó trong khuôn khổ nhất định, anh Mãn quyết định tìm hướng đi mới.

Cử nhân rời phố về quê nuôi con "ngủ ngày, cày đêm" thu trăm triệu đồng/năm (Video: Ngô Linh).

Năm 2016, thông qua internet, anh biết đến mô hình nuôi cầy hương mang lại hiệu quả kinh tế cao và nuôi thử vài cặp. Do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi không mấy tiến triển, anh quyết định rã đàn.

Khát khao tìm tòi, học hỏi, anh Mãn lặn lội vào tận các cơ sở nuôi chồn hương thành công ở các tỉnh phía Nam để tham quan, tìm kiếm nơi cung cấp giống chất lượng.

Năm 2018, được các cơ quan chức năng cấp phép, anh Mãn tự tin khởi nghiệp lại với mô hình bài bản hơn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

"Kiến thức có rồi nhưng đưa vào thực hành lại là vấn đề khác. Khí hậu, nguồn nước chính là trở ngại đầu tiên, rồi đến kỹ thuật chăn nuôi, cách phối giống đạt hiệu quả cao… Tôi cũng "ba phen bốn bận" trầy trật mới có được như ngày hôm nay", anh Mãn tâm sự.

Cử nhân rời phố về quê nuôi con ngủ ngày, cày đêm thu trăm triệu đồng/năm - 1

Từ 2022 đến nay, trang trại của anh Mãn thu lãi 500 triệu đồng/năm (Ảnh: Ngô Linh).

Từ một trại nuôi ban đầu, hiện nay anh Mãn cùng một người bạn hợp tác mở rộng thêm 6 khu chuồng trại, vừa cung cấp con giống và nuôi bán thịt thương phẩm.

Quả ngọt sau thời gian dài kiên trì

Theo anh Mãn, để nuôi chồn hương hiệu quả, người nuôi cần tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về kỹ thuật nuôi, đầu tư chuồng trại, nguồn thức ăn cho chồn.

Về kỹ thuật nuôi, cần lưu ý vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống sạch sẽ, khử trùng hàng tuần, rải vôi, phòng ngừa bệnh tật là quan trọng nhất. Con cái mang bầu khoảng 2 tháng, sau khi con non sinh ra sẽ cho ở với mẹ 60 ngày, rồi tách ra nuôi. Giai đoạn này cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Chồn mẹ 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3-5 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi. Một con cái vòng đời sinh sản trung bình kéo dài 7-10 năm.

Cử nhân rời phố về quê nuôi con ngủ ngày, cày đêm thu trăm triệu đồng/năm - 2

Chuồng cao hơn mặt đất 1-1,5m, thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, vệ sinh sạch sẽ (Ảnh: Ngô Linh).

Đối với chồn cái, 10-12 tháng sẽ cho giao phối, trong giai đoạn này quan sát để lựa chọn những con đẻ tốt nhằm giữ lại làm giống (thường thử nghiệm 2-3 lần đẻ để xem tỷ lệ con non ra đời). Đối với chồn đực, 15-20 tháng sẽ cho giao phối.

Về đầu tư chuồng trại theo mô hình hiện đại, khép kín. Chuồng nuôi được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 1m2 hoặc hơn tùy vào các giai đoạn phát triển, sinh sản. Bố trí trên giá đỡ cách nền 1-1,5m để thông thoáng, tiện vệ sinh chuồng trại.

Trong chuồng lắp đặt camera, máy đo nhiệt độ, nước tự động; chuồng được phân chia thành các khu riêng biệt: khu nuôi cá thể, nuôi các cặp chồn vợ chồng, nuôi chồn sơ sinh…

Theo anh Mãn, khó nhất trong nuôi chồn hương là khi bị ốm không có thuốc đặc trị. Vì vậy, quan trọng nhất trong nuôi chồn hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, luôn sạch sẽ.

"Người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài, biết được cá tính của từng con để có cách chăm sóc phù hợp. Ví dụ như chồn con, chồn sinh sản hay chồn biếng ăn… đều có cách chăm nom riêng, nên phải quan sát kỹ", anh Mãn chia sẻ.

Cử nhân rời phố về quê nuôi con ngủ ngày, cày đêm thu trăm triệu đồng/năm - 3

Thức ăn của chồn là chuối, cá đồng; hệ thống nước uống được bố trí tự động, khử trùng, vệ sinh thường xuyên (Ảnh: Ngô Linh).

Thức ăn của chồn hương là chuối, cháo cá, cá trê. Chồn hương chỉ ăn một lần vào buổi chiều, ngày ngủ, tùy vào từng giai đoạn của chồn mà có sự phân chia lượng thức ăn phù hợp.

Anh Mãn cho hay, cao điểm trang trại của anh có tổng đàn 300-350 con. Hiện nay, chồn thương phẩm có giá 1,4-1,5 triệu đồng/kg (2,2-3,5kg/con loại 1), chồn nuôi lấy thịt 12-14 tháng có thể xuất bán. Chồn giống có giá 8-11 triệu đồng/cặp, tùy trọng lượng.

Từ năm 2022 đến nay, doanh thu mỗi năm từ trang trại nuôi chồn hương của anh Huỳnh Viên Mãn khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng.

"Nuôi chồn hương đòi hỏi kỹ thuật cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy tắc chăn nuôi mới đạt hiệu quả tốt. Tôi đã lập một trang mạng xã hội "Chồn hương Đại Lộc" để trao đổi kinh nghiệm với mọi người gần xa...", anh Mãn cho hay.