Cử nhân lương 10 triệu đồng: Chọn làm thuê, chủ tiệm nệm hay bán nhang?
(Dân trí) - Ra trường gần 3 năm, lương tháng chưa đến 10 triệu đồng, Bảo thường xuyên nghe bố ra giá: "Lương không nổi 20 triệu đồng thì về nhà... bán nhang".
Làm thuê, chủ tiệm nệm hay bán nhang?
Sau thời gian làm việc tại một hệ thống bán đồ ăn nhanh tại TP.HCM, Quốc Bảo (25 tuổi, cử nhân ngành Marketing) nhận mức lương tháng chưa đến 10 triệu đồng.
Mới đây, biết lương của con, bố Bảo nói thẳng: "Ăn học ra mà lương chưa đến 20 triệu đồng thì về nhà bán nhang đi con!".
Bảo hiểu, ví von trên bởi ông thương con sống chật vật ở thành phố. Nhưng cũng phần nào thất vọng khi gia đình đầu tư cho con học hành từ bé mà ra trường thu nhập bèo bọt.
Bố mẹ Bảo chuyên phân phối đèn cầy, nhang hơn 20 năm nay. Công việc đã vào guồng, đều đặn nhập hàng, xuất hàng, mỗi tháng trừ mọi chi phí thu về cả trăm triệu đồng, kinh tế gia đình khá ổn định.
Trước đây, bố mẹ Bảo chưa bao giờ nghĩ con học xong về nối nghiệp, nhưng giờ ông nói rất nghiêm túc. Ông chỉ thằng Huynh, thằng Hải, con Sen... trong xã, toàn học xong 12 là "giải tán" ở nhà kinh doanh, buôn bán đều rất khá giả; rồi nhiều người đi xuất khẩu lao động vài năm về là xây nhà, mua ô tô...
Còn Bảo giờ muốn đổi chiếc xe máy, hay đóng học phí học thêm cái này cái kia vẫn phải điệp khúc: "Mẹ ơi...". Bảo cũng thấy hoang mang về con đường của mình.
Thu Phương, cử nhân kinh tế ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cũng chia sẻ, từ khi cô ra trường đi làm, thường xuyên nghe mẹ nói, học cho lắm rồi lương không bằng bà ở nhà bán dép.
"Mẹ tôi kinh doanh lợi nhuận mỗi ngày thu về 2 - 3 triệu đồng. Tôi không biết phải trả lời thế nào vì dường như mọi lý thuyết, lý tưởng lúc này trở nên... vô nghĩa khi mà thu nhập của tôi chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận trên", Phương nói.
Đến tháng cần tiền lương, Thư Quỳnh, tốt nghiệp ĐH KHXH&NV TP.HCM lại nghĩ có nên chăng về quê theo kêu gọi của mẹ.
Quỳnh làm trong lĩnh vực truyền thông, đúng đam mê của cô, thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Cô đang đi học thêm văn bằng hai.
Thương con, mẹ Quỳnh ra giá luôn, về nhà quản lý cửa hàng chăn ga gối nệm của mẹ, bà trả lương 20 triệu đồng, mọi chi phí ăn uống, quần áo, son phấn... mẹ lo hết. Cô quen việc, vài năm sau bà sẽ chuyển cửa hàng cho cô.
Rất nhiều người cổ vũ Quỳnh mạnh dạn lên đường về quê làm "bà chủ tiệm nệm" khi còn cơ hội.
Lựa chọn cần nhiều cân nhắc
Băn khoăn trên của Bảo, Quỳnh, Phương cũng là câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Họ hoang mang giữa việc theo đuổi ngành nghề mình được học hay chuyển làm những công việc chỉ vì thu nhập, nhất là khi gia đình có sẵn nền tảng.
Anh Trần Lê Trọng, quản lý tại một trung tâm Anh ngữ ở Thủ Đức, TP.HCM nêu quan điểm, không có câu trả lời chung cho tất cả trường hợp. Không ai trả lời được thế nào là đúng sai mà là lựa chọn của mỗi người.
Lựa chọn thế nào, cần trả lời rất nhiều câu hỏi. Hiện tại, công việc đang làm có phải là việc bạn yêu thích, đúng với khả năng? Tiềm năng phát triển như thế nào? Bạn tìm thấy niềm vui trong công việc và sẵn sàng đầu tư vào đó không?
"Khi bạn học hành, làm việc nghiêm túc, đạt được đỉnh cao trong một việc, chắc chắn thu nhập sau này sẽ tăng lên rất nhiều. Có nỗ lực và tầm nhìn, chúng ta có thể vừa làm đúng công việc mình yêu thích vừa có thu nhập ổn", anh Trần Lê Trọng.
Về làm chủ tiệm như câu chuyện của Quỳnh, theo anh Trọng, cũng cần xác định trước nhiều khó khăn, rủi ro.
Các bạn trẻ cần xem xét bản thân có khả năng phát triển công việc đó không? Và ngược lại, công việc đó có giúp bản thân mình phát triển trong tương lai không?
Chị Minh Anh, cử nhân ngành ngôn ngữ học chia sẻ, không phải tự nhiên mà việc kinh doanh của bố mẹ "chạy êm" như hiện tại. Để được như vậy giờ, họ cũng phải trải qua thử thách, khó khăn, đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Việc bạn trẻ mới đi làm thu nhập thấp là hành trình chung với số đông mọi người. Nếu vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt, gia đình lại có điều kiện mà "bỏ cuộc giữa chừng" , chị Anh cảm thán: Là điều vô cùng đáng tiếc!
"Các bạn có thể thuyết phục bố mẹ rằng việc đầu tư cho học hành, công việc không chỉ là thu nhập mà mang nhiều giá trị khác. Giá trị về cuộc sống, về cơ hội, về tư duy, tri thức... Mọi công việc trong xã hội không thể đo đếm một cách cứng nhắc tháng kiếm bao nhiêu tiền", chị Minh Anh bộc bạch.
Cuộc sống cũng như công việc, sẽ có rất nhiều cánh cửa. Lựa chọn thế nào còn do tầm nhìn, mục tiêu, giá trị sống mỗi người hướng tới. Có người chỉ cần kiếm tiền dư giả là vui vẻ nhưng có người mang nhiều khát vọng không chỉ về tiền bạc mà là cơ hội, là tư duy, là phát triển về lâu dài.