Cú "bẻ lái" tài lộc của chàng trai mê điêu khắc
(Dân trí) - Vốn học nghề đóng tàu nhưng Tuấn Anh lại khởi nghiệp bằng nghề điêu khắc gỗ. Cú "bẻ lái" không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê mà còn mang lại cho anh nguồn thu nhập bất ngờ.
Bằng sự khéo léo, sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988, trú tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã chế tác, thổi hồn, biến những khối gỗ vô tri thành những tác phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em ở thôn Tân Bình, Tuấn Anh mất bố khi mới 7 tuổi.
Từ nhỏ, cậu đã có năng khiếu về hội họa. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Tuấn Anh xin mẹ học nghề đóng tàu ở trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Có nghề trong tay, Tuấn Anh đã vào Bà Rịa - Vũng Tàu xin làm tại một công ty đóng tàu. Công việc ổn định nhưng niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc, hội họa khiến anh luôn khắc khoải. Có những lúc "nhớ nghề", anh lại mang đồ nghề ra các tuyến phố mỗi tối, vẽ tranh bán cho du khách.
Ngọn lửa nghệ thuật trong anh ngày càng lớn. Đến năm 2011, Tuấn Anh bất ngờ bỏ việc đóng tàu, lên Gia Lai, xin làm tại một xưởng mộc để theo đuổi đam mê của mình. Đến năm 2014, Nguyễn Tuấn Anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp bằng nghề điều khắc gỗ.
"Tôi đến với nghề điêu khắc là do đam mê, năng khiếu sẵn có, chứ không qua trường lớp đào tạo nào cả. Thời gian đầu về quê lập nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn, bởi khách hàng chưa biết đến sản phẩm của mình và giá trị của các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ", anh Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.
Nhưng bằng kinh nghiệm và kỹ thuật có được, Tuấn Anh đã tự sáng tạo ra các tác phẩm trên chất liệu gỗ, từ kích cỡ nhỏ nhất, có thể cầm tay đến những sản phẩm lớn như tranh, tượng gỗ với nét đục đẽo tinh xảo, điêu luyện.
Dần dần, khách yêu nghệ thuật thích thú, truyền tai nhau và tìm đến xưởng của Tuấn Anh đặt hàng ngày càng nhiều. Hiện anh làm không hết việc, ngoài phục vụ khách trong tỉnh, các tác phẩm còn được khách ở các tỉnh bạn như: Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai... đặt hàng liên tục.
Theo Nguyễn Tuấn Anh, điêu khắc gỗ là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, đòi hỏi ngoài sự khéo tay còn phải có sáng tạo. Nghề cũng yêu cầu người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê.
"Nhiều khách hàng đưa cả khối gỗ xù xì đến để nhờ thiết kế, điêu khắc thành những tác phẩm ý nghĩa. Từ những khối gỗ xù xì, vô tri ấy, tôi phải ngắm nghía thật kỹ để phác thảo, tạo dáng, tạo thế phù hợp nhất. Sau khi có được ý tưởng phù hợp với khối gỗ, tôi mới bắt tay vào đục đẽo, gia công sản phẩm", anh Tuấn Anh nói và cho biết, sản phẩm kỳ công nhất mà anh từng làm phải mất hơn 2 tháng mới hoàn thiện.
Nói về đặc thù của nghề, Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng điêu khắc gỗ khác với nghề mộc dân dụng ở chỗ đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và tính nghệ thuật rất cao. Trong khi nghề mộc dân dụng có thể sử dụng máy móc sản xuất ra sản phẩm hàng loạt giống nhau, thì mỗi tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ra đời là độc bản.
Cái khó nhất của nghề này là nguồn nguyên liệu. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ. Theo đó, gỗ phải là loại tốt, có độ dẻo, không nứt và không bị mối, mọt.
"Gốc cây càng có dáng lạ thì sản phẩm mình làm ra càng độc đáo. Tôi phải trực tiếp sang Lào hoặc nhờ người quen bên đó tìm mua giúp những gốc gỗ có dáng độc lạ để đưa về. Còn đồ nghề tạo tác thì rất đơn giản, chỉ là những chiếc đục sắt, cưa, máy phay gỗ...", Tuấn Anh cho biết.
Một điều quan trọng cũng được người thợ điêu khắc gỗ chia sẻ là, ngoài việc tìm ra được những gốc cây có thế độc, lạ thì việc tạo ra được những tác phẩm có hồn, thần thái là yếu tố quyết định đến giá trị của sản phẩm.
"Chẳng hạn, cùng là một bức điêu khắc "mã đáo thành công" nhưng mỗi người thợ sẽ tạo ra thần thái khác nhau cho bức họa. Điều đó đòi hỏi người làm nghề điêu khắc phải thổi vào sản phẩm những thần thái sống động nhất", anh Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Gắn bó với nghề điêu khắc gỗ đã được gần 12 năm, đến nay, Nguyễn Tuấn Anh đã sáng tác trên 1.000 tác phẩm với rất nhiều chủ đề khác nhau như tranh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng Phật, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng 12 con giáp, tranh thư pháp,...
"Hiện nay, tôi chỉ làm một mình. Trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của tôi nhận khoảng 10-15 đơn hàng. Một năm, trừ chi phí, nghề điêu khắc cũng mang lại cho tôi hơn 200 triệu đồng, cao hơn hẳn làm công nhân đóng tàu", anh Tuấn Anh nói về dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nhận đào tạo và tạo việc làm cho các thanh niên trên địa bàn có chung niềm đam mê, góp phần đưa nghề điêu khắc gỗ ngày càng phát triển.