1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cứ 6 trẻ thì có 1 em sống trong vùng xung đột

(Dân trí) - "Trẻ em không chỉ cần dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khoẻ và vui chơi mà cần được sống trong môi trường hoà bình, trong sạch, đầy tình yêu thương"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2019.

Hội nghị được khai mạc sáng ngày 4/12 tại Hà Nội, với chủ đề “Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng an toàn và bền vững cho trẻ thơ”.

Đây là hoạt động được đồng tổ chức bởi Bộ LĐ-TB&XH, Arnec (Mạng lưới phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương) và các tổ chức Unicef, Unesco, Save the Children, ILO…

Tỷ lệ 1/6 trẻ em sống trong vùng xung đột

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nỗ lực luật hoá và bảo đảm trên thực tế đầy đủ các quyền của trẻ em theo như Công ước đã tham gia.

"Các quyền của trẻ em trong Công ước được thực hiện trong thực tế, được quy định và điều quan trọng nhất là có một loại quyền dù rất khó quy định cụ thể trong từng điều luật nhưng lại liên quan đến tất cả các bộ luật và chủ trương chính sách. Đó là quyền được sống trong yêu thương của trẻ em" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cứ 6 trẻ thì có 1 em sống trong vùng xung đột - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: M.D)

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một thực tế, trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, được chăm sóc sức khoẻ, được vui chơi mà phải được sống trong một môi trường hoà bình, trong sạch, đầy tình yêu thương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả mọi việc, đặc biệt là với trẻ em cần một sự phối hợp rất đồng bộ của tất cả các bên. Ngoài ra, còn cần một tầm nhìn rất dài hạn nhưng bằng hành động rất cụ thể và thậm chí là tức thời.”

"Chúng ta được chứng kiến những màn văn nghệ của những em bé không chỉ tài năng mà còn rạng ngời hạnh phúc. Nhưng chúng ta không quên trên thế giới này cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành. Và không quên rằng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hàng năm vẫn có hàng ngàn các vụ xâm hại nghiêm trọng tới trẻ em" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Thực tế trên thế giới cho thấy, cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ sống trong khu vực có xung đột. Thậm chí ở những nơi hoà bình, không có xung đột vẫn còn không ít trẻ em bị thiệt thòi.

Cứ 6 trẻ thì có 1 em sống trong vùng xung đột - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường sự phối hợp không chỉ giữa nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức quốc tế, mà còn giữa nhà nước với các tổ chức, chương trình hoạt động nhân đạo; giữa các tổ chức nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của từng người dân, của từng gia đình.

"Không ai bị bỏ lại phía sau là khẩu hiệu với tất cả chúng ta, đặc biệt là với trẻ em. Hãy không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển. Chỉ có như vậy thì thế giới mới tiếp tục được hoà bình, trái đất chúng ta mới mãi được màu xanh" - Phó Thủ tướng kết luận.

Tương lai quốc gia bắt đầu từ... trẻ thơ

Đồng quan điểm với những chỉ đạo của Chính phủ về công tác trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việt Nam tự hào là quốc gia phê chuẩn sớm công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. VN đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện các quyền của trẻ em, mang lại cho cuộc sống của trẻ em ngày càng tốt đẹp hơn...".

Cứ 6 trẻ thì có 1 em sống trong vùng xung đột - 3

Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định chủ trương phòng ngừa và xử lý có hiệu quả hiệu lực các vụ việc bạo lực và xâm hại trẻ em, trong đó đầu tư và hỗ trợ vì sự phát triển của trẻ em là quan điểm xuyên suốt trong quy định của pháp luật và các chính sách an sinh của Việt Nam.

"VN đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về quyền trẻ em do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, từng bước hoàn thiện bộ máy cán bộ làm công tác trẻ em từ trung ương tới địa phương, đề cao cụ thể trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường và chính trẻ em; cũng như các cá nhân, tổ chức đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục, học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi giải trí" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Chưa hài lòng với những kết quả đạt được trong việc thực hiện quyền trẻ em, Bộ trưởng nghiêm khắc: “Để hướng tới sự phát triển và công bằng xã hội, nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển trẻ em toàn diện, Chính Phủ đang triển khai chiến lược chăm sóc trẻ em mang tính toàn diện hơn và chăm sóc tập trung vào những năm đầu đời của trẻ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án: Chăm sóc vì sự phát triển trẻ em những năm đầu đời tại gia đình, cộng đồng giai đoạn 2018-2025. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em cũng như thực hiện các chính sách tổng thể về chăm sóc toàn diện trẻ em Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin độc hại trên môi trường mạng vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn".

Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị lần này là một bước tiến quan trọng tiến trình thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đặc biệt đối với mục tiêu 4.2. Lần đầu tiên, các thành viên của Hôi nghị sẽ cùng nhau xây dựng lời kêu gọi hành động Hà Nội về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng mong rằng lời kêu gọi hành động từ Hà Nội sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện có hiệu quả vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ tại mỗi quốc gia trong khu vực trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, Việt Nam đãntái khẳng định với quốc hội và chính phủ các nước Châu Á- Thái Bình dương và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cam kết cùng nhau biến các mục tiêu thành hành động cụ thể.

“Chúng ta đến đây từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với sự đa dạng về văn hóa lịch sử, nhưng chúng ta cùng chia sẻ một mục tiêu chung đó là: Tương lai của chúng ta, tương lai của mỗi quốc gia và tương lai của khu vực bắt đầu từ trẻ thơ - Đó cũng chính là thông điệp mà chúng ta cam kết với thế giới, với mỗi người dân và đặc biệt cam kết với chính trẻ em”-  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.

Hội nghị khu vực thường niên về phát triển trẻ thơ lần thứ 9 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam trước bối cảnh mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí và 9 trên 10 người đang phải hít thở không khí không phù hợp cho con người (theo Tổ chức Y tế Thế giới- WHO); biến đổi khí hậu, nghèo đói vẫn tiếp diễn, đe dọa và ảnh hưởng đến cả cộng đồng, đến từng gia đình, khiến trẻ em, nhất là trẻ nhỏ đứng trước tình trạng không an toàn, nguy cơ tử vong cao, sức khỏe và sự phát triển nhận thức của trẻ em đều bị tổn hại...

 Ngọc Hân