1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Xem xét trách nhiệm lãnh đạo đơn vị do chậm xử lý vụ việc về trẻ em”

(Dân trí) - “Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em...” - Đây là một phần nội dung Công điện của Bộ LĐ-TB&XH gửi các địa phương.

“Xem xét trách nhiệm lãnh đạo đơn vị do chậm xử lý vụ việc về trẻ em” - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Anh Tuấn)

Chiều 26/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Công điện nêu rõ, tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng thời gian qua.

Nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra trong cả gia đình, nhà trường, các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng.

Nhiều đối tượng gây bạo lực, xâm hại trẻ em là người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ chính.

“Xem xét trách nhiệm lãnh đạo đơn vị do chậm xử lý vụ việc về trẻ em” - 2
Trước đó, hôm 19/11, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trung tâm bảo trợ xã hội rà soát công tác chăm sóc trẻ em, nhằm phát hiện các trường hợp vị xâm hại.

Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước nhất là trong kế hoạch trung hạn và 5 năm tới tại địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em, để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, các tỉnh, thành cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Chăm lo sự phát triển toàn diện trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, những kiến thức, hiểu biết cho trẻ em, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro, những yếu tố dễ tổn thương.

Tăng cường kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực. Đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cuối cùng, các địa phương chú trọng hơn việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời, các địa phương cần kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hoàng Mạnh