Hà Nội:

Covid-19 khiến lao động thất nghiệp đăng ký học nghề giảm 70%

Phạm Công

(Dân trí) - Trong năm 2020, nguyên nhân chính dẫn khiến lao động thất nghiệp chưa mặn mà với học nghề là do khó khăn từ dịch Covid-19, đa số người thất nghiệp muốn sớm có việc làm, thu nhập cho cuộc sống.

Giảm 70% so với cùng kỳ

Theo thống kê của TTDVVL Hà Nội, trong năm 2020, tổng số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề qua trung tâm là 1.200 người, trong đó có 1.023 người là  nữ giới. Con số này giảm 70% so với cùng kỳ 2019.

Lao động thất nghiệp tập trung vào học các ngành nghề như kỹ thuật pha chế đồ uống và kỹ thuật nấu ăn là hơn 1.000 người. Ngoài ra, người lao động theo học các nghề như: Tin học văn phòng, may công nghiệp, pha chế đồ uống,…

Covid-19 khiến lao động thất nghiệp đăng ký học nghề giảm 70% - 1

Nhiều lao động không chọn học nghề vì muốn sớm tìm việc ngay

Lý giải về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Trong năm qua, nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động thất nghiệp không muốn chuyển đổi nghề là do dịch bệnh Covid-19 đã khiến đa số người thất nghiệp muốn sớm trở lại thị trường lao động để có thu nhập trang trải cho cuộc sống".

Ngoài ra, theo bà Vũ Thị Thanh Liễu cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc lượng người đăng ký học nghề giảm như, tuổi tác, gia đình, thời gian.

Chế độ hỗ trợ người học cũng chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, nhiều nghề nếu học chỉ 3 tháng sơ cấp thì sẽ không thể làm nghề như may công nghiệp hay sửa chữa xe máy,...

Bên cạnh đó, một số nghề không cần đến 3 tháng để học tập nhưng chi phí đề đầu tư vào làm nghề, thực hành lại quá cao khiến cho học viên không mấy hứng thú. Đặc biệt là trong năm 2020, nhiều người lao động mất việc do Covid-19. Vì vậy, học viên tham gia học nghề tập trung chủ yếu vào các nghề như kỹ thuật nấu ăn hay kỹ thuật pha chế đồ uống.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng, không ít học viên theo học vì có thời gian rảnh, thậm chí là có kinh tế, đi học để phục vụ gia đình và bản thân.

Covid-19 khiến lao động thất nghiệp đăng ký học nghề giảm 70% - 2

Chế độ hỗ trợ người học còn thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến ít lao động học nghề 

Thúc đẩy công tác dạy nghề

"Theo chúng tôi đánh giá, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ tự khởi nghiệp rất thành công từ các nghề như Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống,…" - Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết thêm.

Để tăng cường công tác dạy nghề, Trung tâm đang phối hợp tư vấn cho người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện theo quy định với nhiều ngành nghề đang thịnh hành như lái xe ô tô, phun thêu thẩm mỹ, chăm sóc da,…

"Chúng tôi luôn xác định làm sao để giúp người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Đồng thời, cũng giúp người lao động hưởng BHTN hiểu rằng, họ luôn luôn được hưởng một số tiền về trợ cấp về thất nghiệp thì ngoài việc được tư vấn hỗ trợ giới thiệu việc làm và được tư vấn hỗ trợ học nghề miễn phí. Đó là hai quyền lợi cơ bản nhất của NLĐ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp" - Bà Vũ Thị Thanh Liễu thông tin.

Với việc xác định mục tiêu chính của chính sách BHTN nêu trên, lãnh đạo TTDVVL Hà Nội đã đặt mục tiêu cho đầu năm 2021 sẽ tích cực chỉ đạo cán bộ nhân viên phải luôn quan tâm và tư vấn cho người lao động làm sao sớm quay trở lại với thị trường lao động.

Nghiên cứu và phát triển các nghề liên kết đào tạo được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường hiện nay.

Covid-19 khiến lao động thất nghiệp đăng ký học nghề giảm 70% - 3

Trong năm 2020, lao động học nghề tập trung vào các ngành nghề như kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống

Đồng thời sẽ mở rộng thêm ngành nghề đào tạo, mở rộng cơ sở đào tạo để nâng cao số lượng người lao động tham gia hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Trung tâm cũng sẽ thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, giao dịch việc làm chuyên đề... tại các phiên giao dịch này hoặc tại các phiên giao dịch việc làm lưu động mà nơi thị trường lao động phát triển để lao động có thêm nhiều cơ hội chọn nghề.

"Ngoài ra, TTDVVL Hà Nội sẽ chú trọng tổ chức các hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp và tư vấn hỗ trợ học nghề. Đối tượng tư vấn từ các em ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh PTTH cho đến người lao động đã đi học xong để làm sao định hướng được công việc nghề nghiệp, ngành nghề phù hợp để theo học", bà Liễu cho biết.