Đắk Lắk:
Công nhân vệ sinh "toát mồ hôi" thu gom rác thải của F0
(Dân trí) - Hàng chục ngàn ca mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà. Việc rác thải của F0 được thu gom chung với rác thải thông thường khiến công nhân lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Chất thải y tế lẫn lộn rác sinh hoạt
Tất bật với việc thu gom rác sinh hoạt giữa trời trưa nắng bức, anh Lại Tiến Lĩnh (36 tuổi, công nhân thu gom rác của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk) không khỏi lo lắng về công việc phải làm trong thời điểm dịch bệnh bùng phát với số F0 hàng nghìn ca mỗi ngày.
Anh Lĩnh chia sẻ, số người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà rất lớn mà lượng rác thải ra đều để chung với rác thải sinh hoạt thông thường, công nhân không biết đâu mà lần.
"Anh em chúng tôi cũng lo lắm chứ, đi làm thế này lỡ đem bệnh về nhà thì khổ nữa. Chỉ mong bà con có ý thức phân loại, đánh dấu rác thải F0 để công nhân và ngành y tế có hướng xử lý", anh Lĩnh nói vội rồi lại tiếp tục công việc.
Công nhân thu gom rác Võ Văn Bình (42 tuổi) cho biết, thời gian trước, khi số lượng F0 còn ít, nhà nào có người mắc bệnh sẽ được giăng dây, treo bảng để phân biệt và số rác này, thường thì lực lượng y tế sẽ thu gom. Đến nay, do F0 quá nhiều, không còn giăng dây, đánh dấu như trước nên không thể biết được nhà nào đang có người F0.
"Tôi cũng cố gắng tự bảo vệ bản thân khi đi thu gom rác thời điểm này nhưng thú thật là rất khó để đảm bảo không phơi nhiễm dịch bệnh. Do đây là công việc mưu sinh hàng ngày nên anh em vẫn phải động viên nhau cố gắng và mong có giải pháp để phân loại rác thải của F0 sao cho không bị lẫn lộn với rác sinh hoạt khác", anh Bình băn khoăn.
Tính đến ngày 21/3, toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 100.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 50.000 ca đang được điều trị tại nhà. Riêng địa bàn TP Buôn Ma Thuột, số ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà đã khoảng 20.000 người.
Ông Bùi Văn Quý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị chỉ có chức năng thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, còn rác thải y tế thì thuộc về trách nhiệm của các đơn vị khác.
Theo ông Quý, vào giai đoạn trước, số lượng F0 điều trị tại nhà ít nên lực lượng y tế khử khuẩn rác thải từ bệnh nhân trước khi mang đi xử lý. Hiện tại, số lượng F0 điều trị tại nhà rất nhiều, người thu gom rác cũng không phân biệt được gia đình nào có rác thải từ F0 thải ra. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người lao động làm nhiệm vụ trực tiếp thu gom rác.
"Các công nhân của chúng tôi đều đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine và được quán triệt đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cũng như trang bị đầy đủ bảo hộ trong quá trình thu gom", ông Quý thông tin.
Đang xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải F0 điều trị tại nhà
Không chỉ nhân viên thu gom rác mà cả những người mưu sinh tại bãi rác, trực tiếp đào bới rác thải tại các bãi tập kết để lọc lấy phế liệu cũng ẩn chứa nguy cơ nhiễm bệnh từ số lượng rác thải ra.
Theo ông Võ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, xử lý đúng quy định với rác thải của F0 điều trị tại nhà trên địa bàn hiện là việc rất khó khăn, do y tế thiếu phương tiện, nhân lực, và các đơn vị xử lý rác thải y tế trên địa bàn quá tải.
"Trước mắt, ngành y tế tuyên truyền, khuyến cáo các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phân loại, đóng gói rác gọn gàng và chủ động phun khử khuẩn trước khi đơn vị vận chuyển rác đến thu gom để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ rác thải. Về lâu dài, đơn vị cũng kiến nghị các cấp chính quyền và các ban, ngành có sự hỗ trợ lực lượng y tế trong việc xử lý chất thải lây nhiễm nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch", Giám đốc Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột cho hay.
Được biết, Sở Y tế Đắk Lắk đang xây dựng phương án để thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà đảm bảo đúng quy định, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn này ra cộng đồng.