Công nhân ở trọ và trái tim... online

Một bạn gái trạc 22, 23 tuổi mặc áo công nhân màu vàng với chiếc quần tây xanh bạc màu đang dán chặt mắt vào bàn phím và chăm chỉ “mổ cò”. Trên màn hình là một cái “nick” “anhditimtinhyeu”...

Đó là một hình ảnh mà người viết bắt gặp được vào lúc 8 giờ tối, tại một tiệm Internet mới mở gần khu nhà trọ công nhân ở Q.7 (TPHCM) đông nghẹt người.

 

Cô gái đang say sưa chat giữa không khí nhộn nhạo của đám trẻ con giành nhau chơi Võ lâm truyền kỳ, Warcraft!

 

“Săn” tình trên mạng

 

Nghe mấy bạn gái cùng phòng kháo nhau quen được anh này anh kia trên mạng, vừa hết giờ làm, Linh - tên cô mặc áo công nhân - cũng lân la vào net. Sau khi “căng mắt căng tai” nghe anh chủ tiệm hướng dẫn, Linh tạo được một cái nick nghe khá vui tai “emgainhaque”.

 

Vừa bước vào “room chat”, “emgainhaque” bị bủa vây bởi những nick “xịn” như “congtunhagiau”, “emcoyeuanhkhong”... Toát mồ hôi “chọn lọc”, Linh làm quen được một chàng trai 25 tuổi, là kỹ sư xây dựng ở quận 12, còn độc thân, đang đi tìm người yêu (theo cái nick  “tự giới thiệu”).

 

Cũng là công nhân nhưng có vẻ cao cấp hơn, C. làm công việc kiểm tra chất lượng vải của một công ty may mặc ở Thủ Đức. Lịch làm việc của C. bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Về nhà tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm xong là C. lên mạng.

 

Một người bạn của tôi quen C., nói giọng chắc nịch: “Yên tâm, cứ lên mạng buổi tối thế  nào cũng có em online”. Quả thật, hai buổi tối lên mạng tôi luôn gặp được C. Tối chủ nhật, lúc 22 giờ, vừa add nick của C. đã thấy hiện lên câu “chào anh”. Sau đó là: “Anh có WC (webcam) không, cho em xem với!”.

 

Tình “săn” lại!

 

Soi vào góc khuất

 

TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: “Việc này xuất phát từ nhu cầu giới tính có thật của con người. Công nhân nhập cư do hoàn cảnh xa nhà, thiếu cân bằng về mặt giới tính trong môi trường (nhà trọ, công ty... nam thường ít hơn nữ) nên họ tìm đến mạng.

 

Có hai dạng: một, nhận thức được việc làm của mình nhưng vẫn lên mạng để mong được đổi đời, để được “cứu vớt” (như C.) hoặc những người nhẹ dạ, cả tin bị lừa một lần nhưng tiếp tục hi vọng sẽ có một tình yêu đẹp trên mạng.

 

Còn dạng thứ hai, không nhận thức được chính mình đang làm gì, muốn gì. Dù phân ra hai dạng nhưng nhìn chung đa số những bạn trẻ này không nhận ra rằng mạng chỉ là một phương tiện để con người giao tiếp với nhau chứ khó là một liều thuốc mang đến tình yêu”.

Chẳng biết Linh “chat chit” thế nào, hẹn hò ra sao nhưng ngày nào Linh cũng lên mạng rất đúng giờ và chat đến tận khuya. Một tuần sau, chàng trai đến nhà trọ tìm Linh. Họ gặp nhau thường xuyên và hay đi chơi về khuya. Vào một ngày chủ nhật đẹp trời, chiếc xe gắn máy của chàng dựng trước phòng trọ không cánh mà bay.

 

“Chàng kỹ sư” chẳng cần tỏ ra galăng, thương yêu gì nữa, bắt nàng muốn không ra công an thì... phải đền. Để yên chuyện, Linh đành cắn răng hốt hụi và vay nóng tiền để đền. Sau lần đó Linh đi đâu mất dạng, nghe nói do vay tiền lãi cao quá nên phải về quê (Nghệ An) để xin cha mẹ bán đất mà trả nợ.

 

Còn C., đó là một cô gái Tiền Giang lên TPHCM ở nhờ nhà bà con để vừa đi làm vừa học thêm Anh văn. Với đồng lương ít ỏi lại phải gửi về  nhà, C. sống rất chật vật. Buồn chán và làm quen với Internet. Từ một người nhút nhát, C. trở nên bạo dạn và rất sõi tiếng Anh. Cách nói chuyện đưa đẩy, nhõng nhẽo nên một vài Tây balô rất thích.

 

Thông thường sau một buổi tối săn tìm con mồi trên mạng là hôm sau C. có thể dễ dàng nhận lời đi chơi với họ: đi vũ trường, đi bar, mua sắm, ăn uống ở nhà hàng Tây... Vậy đó, nhưng sau những cuộc chơi C. chán nản: “Cuộc đời tao coi như vứt đi rồi. Chẳng đứa nào đến với mình thật lòng cả. Tao lên mạng không phải chỉ để kiếm tình mà để giải sầu (?!)”.

 

Hiện nay, Internet đã thật sự len lỏi vào tận các khu công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân và nhanh chóng được xem là hình thức giải trí khá “đắt” cho công nhân ngoài xem tivi, uống cà phê, nhậu nhẹt. Vào tối thứ bảy và chủ nhật, từng tốp công nhân đứng lố nhố trước tiệm Internet, cố giành một máy để chat. Để giải sầu? Để “săn tình” hay vào bẫy “tình săn”? Hay... tất cả?!

 

Theo Kim Lê
Tuổi Trẻ