1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân mong được tăng ca dịp Tết

Phạm Công

(Dân trí) - Theo LĐLĐ TP Hà Nội, dịch Covid-19 khiến hơn 30.000 lao động trên địa bàn TP Hà Nội bị mất và thiếu việc làm. Nhiều công nhân mong mỏi được tăng ca để có tiền chi phí khi Tết cận kề.

Đi làm theo kiểu... cầm cự

Vừa tan ca làm sáng, anh Trần Tấn Đạt quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, cho biết: “Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát đợt một, công ty đã cắt giảm 30% nhân công. Đợt dịch thứ hai, công ty cắt giảm 40% giờ làm. Tôi đi làm ca sáng còn chiều và tối thì nghỉ, về cũng chẳng có gì làm...”.

Được biết, trước đây cả lương và tăng ca, thu nhập bình quân hàng tháng của anh Trần Tấn Đạt là 10 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cùng làm công nhân và nuôi 1 đứa con nhỏ mỗi tháng cũng dư được ít nhiều phụng dưỡng cha mẹ già ở quê.

Công nhân mong được tăng ca dịp Tết - 1

Anh Đạt cùng nhiều đông  nghiệp mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập trang trải trong dịp Tết 

Thống kê của LĐLĐ TP Hà Nội, thành phố có hơn 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh sản xuất, 9 khu công nghiệp, chế xuất thu hút hơn 600 dự án đầu tư tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm đến trên 90%.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 khiến hơn 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và hơn 30.000 lao động bị mất và thiếu việc làm, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, dệt may, da giày.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của cả anh và vợ mới được 9 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn, Tết cũng sắp đến gần, vấn đề kinh tế đang đè nặng lên đôi vai vợ chồng anh.

Cũng đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, chị Nguyễn Trà My quê ở Sóc Sơn, Hà Nội chờ xe để về quê ngày cuối tuần. chị cho biết: “Trước đây cuối tuần công nhân chúng tôi đăng ký lịch làm để tăng ca nhưng từ đầu năm đến nay, 1 tuần được đi làm đủ 6 ngày là tốt lắm rồi. Cuối tuần không có việc gì tôi tranh thủ về nhà với các con còng chồng thì ở lại đi chạy grab”.

“Khát” tăng ca

Theo chị Nguyễn Trà My, suốt 8 năm làm công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, chị đều làm không hết việc dịp cuối năm. Qua đó, chị có thu nhập cao hơn để trang trải cho dịp Tết.

Chị Nguyễn Trà My cho biết: “Lương tăng ca nhận được từ 150% - 200% nên các tháng cuối năm, chúng tôi chạy đua với thời gian để cải thiện tài chính. Thông thường, một người làm 8 tiếng với mức lương là 6 triệu đồng, tăng ca 1 giờ được 50 ngàn đồng, mỗi ngày làm thêm 2 tiếng”.

Sau khi nhận trợ cấp và lương thưởng, thu nhập của chị những tháng cận Tết có thể lên 9 triệu đồng. Vì vậy, dù mệt mỏi, chị vẫn nỗ lực làm việc đến tận đêm trên tinh thần tự nguyện.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc tăng ca trước đây diễn ra hàng ngày tại công ty chị Nguyễn Trà My nay trở nên xa xỉ và là mong ước của tất cả công nhân trong công ty.

Công nhân mong được tăng ca dịp Tết - 2

Chị My (ngoài cùng, bên phải) khăn gói về quê dịp cuối tuần vì công ty không có việc để tăng ca

Nếu như trước đây, những câu chuyện công nhân bị ép tăng ca quá nhiều đến mức phải đình công hay nghỉ việc nay đã không còn nhiều. Nhiều người vì thu nhập thấp còn muốn được tăng ca vì chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. 

Anh Trần Tấn Đạt tâm sự: “Những ngày chỉ nhận lương cơ bản khiến chúng tôi lo lắng. Tăng ca vất vả, nhiều khi về đến nhà không lê nổi bước chân nhưng lại có thêm tiền để gửi về quê cho bố mẹ, lo cho con cái. Hơn nữa tăng ca lại được công ty cung cấp thêm một bữa ăn, bớt đi một phần chi phí. Không được tăng ca, chi phí lại tăng lên. Tiền lương cơ bản không đủ chi tiêu nơi vật giá đắt đỏ”.

Theo anh Trần Tấn Đạt, chi tiêu của công nhân luôn theo một tiêu chí, chỉ được giảm, không được tăng. Bởi vậy nếu không được tăng ca, tiền lương ít đi thì họ chỉ còn cách căn bớt chi phí ăn uống. Dịp tết sắp đến gần lại càng phải tằn tiện chi tiêu hơn.

“Tôi không ngại vất vả hay khó khăn, chỉ cần được tăng ca để có thêm thu nhập. Như vậy mới có tiền lo cho bố mẹ già, con nhỏ có thêm chiếc áo mới. Hi vọng tháng sau công ty nhận được nhiều đơn hàng hơn để được tăng ca” - anh Trần Tấn Đạt nói.

Không chỉ anh Đạt, chị My mà nhiều công nhân trên địa bàn Hà Nội đối mặt với nguy cơ mất Tết. Trước thực tế đó Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân, lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.

Hà Nội chi 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Được biết, LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến trích khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Tân Sửu. Trong đó, hơn 5 tỷ đồng tiền mặt sẽ được trao cho 5 5.000 công nhân và 500 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho con có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tổ chức 40 chuyến xe ô tô đưa 1.200 công nhân khó khăn, mang thai và có con nhỏ về quê ăn Tết...