Công nhân "làm cả năm không dư đồng nào", đội rét 5 giờ chạy xe máy về quê

Hoa Lê

(Dân trí) - Tiếc gần 1 triệu đồng đi xe khách, vợ chồng công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) quyết định di chuyển bằng xe máy vượt gần 200km trở về quê đón Tết.

Cuộc đoàn tụ chật vật

Kíp làm việc xuyên đêm kết thúc lúc 8h ngày 24/1. Anh Nguyễn Hữu Tỉnh (công nhân một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long) rệu rã trở về căn phòng trọ chật hẹp trong thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh).

Sau giấc ngủ bù mê man, vợ chồng anh Tỉnh quyết tâm dậy dọn dẹp phòng trọ, chuẩn bị đồ đạc, bắt đầu hành trình về quê Triệu Sơn (Thanh Hóa) đón Tết cùng gia đình. Di chuyển dịp này với những người con tha hương như cực hình. Bởi đường Hà Nội ùn tắc cả ngày, đặc biệt hướng về quê của nam công nhân này.

16h cùng ngày, anh Tỉnh chở vợ cùng đồ đạc lỉnh kỉnh bắt đầu chặng đường dài đằng đẵng. Vào đúng khung giờ cao điểm người dân đổ về mọi cửa ngõ Hà Nội, chắc chắc sẽ ùn tắc nghiêm trọng.

Công nhân làm cả năm không dư đồng nào, đội rét 5 giờ chạy xe máy về quê - 1

Anh Tỉnh chuẩn bị đồ đạc về quê (Ảnh: Hoa Lê).

"Nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác, vì công ty của tôi trở lại làm việc bình thường vào mùng 5 Tết nên cố gắng về sớm lúc nào hay lúc đó, để có chút thời gian đoàn tụ gia đình", anh Tỉnh chia sẻ.

Trời nhá nhem tối. Trong giá lạnh của miền Bắc thời điểm này, nam công nhân vẫn quyết định chạy xe máy vì được chủ động trên hành trình và có phương tiện di chuyển những ngày ở quê.

Hơn nữa, giá vé ngày Tết lên đến 230.000 đồng/ghế, đắt hơn ngày thường 50.000 đồng. Anh Tỉnh nhẩm tính nếu bắt xe hai chiều thì cũng tiêu tốn gần 1 triệu đồng. Số tiền này bằng 1/4 thưởng Tết.

Đó là lý do anh có thể chịu thêm vất vả, tiết kiệm chút nào hay chút đó. Anh Tỉnh xác định cùng hòa vào dòng người ken đặc trên nhiều tuyến đường. Thoát khỏi nội đô cũng mất 3 giờ. Về đến được đến nhà đoàn tụ cùng bố mẹ, vợ chồng anh đã có hơn 5 giờ liên tục di chuyển, mỏi nhừ trong gió đông lạnh giá.

Tổng kết năm qua, anh Tỉnh thốt lên "đi làm cả năm nhưng không dư đồng nào".

Sau khi kết hôn, rời quê hương, anh đến tìm việc tại một nhà máy trong khu công nghiệp Thăng Long. Do công ty chỉ làm kíp nên thu nhập của anh chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng/tháng. Với đồng lương có hạn, vợ chồng anh đã phải tính toán kỹ lưỡng và rất tiết kiệm.

Nam công nhân kể: "Tiền phòng 2 triệu đồng, tiền ăn hơn 3 triệu đồng, cùng các chi phí khác cũng hết sạch tiền lương mà tôi kiếm được mỗi tháng". Còn lại thu nhập của vợ dùng để tích lũy, song nhiều khoản phát sinh trong cuộc sống khiến vợ chồng anh cũng khó lòng tích cóp được nhiều.

Lỉnh kỉnh đồ đạc về quê

Cách quê nhà 300km, nên gia đình chị Lương Thị Hằng - công nhân tại một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long - không dám đi xe máy về quê. Chọn xe khách giường nằm, nhưng cả vợ chồng chị chen chúc một ghế với giá 500.000 đồng/cặp.

"Nhà xe năm nào cũng nói sẽ không nhồi nhét khách, song mỗi lần chúng tôi lên xe đều thấy khó thở vì ken đặc người. Bình thường mỗi người một ghế nằm, nay vợ chồng cùng chung một chỗ", chị Hằng chia sẻ.

Do khu vực huyện Văn Bàn, Lào Cai nơi chị sinh ra chưa có khu công nghiệp, buộc lòng chị phải xuống Hà Nội làm công nhân. Đến nay chị cũng có 8 năm gắn bó với nhà máy trong khu công nghiệp.

May thay trong năm qua, công ty có đơn hàng dồi dào. Vì vậy, chị có đủ việc làm, để tăng ca thêm thu nhập.

Tính cả tăng ca, thu nhập của nữ công nhân cũng chạm mốc 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên gia đình không có điều kiện, buộc chị phải tự sắm sửa phương tiện đi lại nên cũng không có nhiều tiền tích lũy.

Công nhân làm cả năm không dư đồng nào, đội rét 5 giờ chạy xe máy về quê - 2

Chị Hằng gói ghém từng gói quà mang về tặng người thân, gia đình (Ảnh: Hoa Lê).

Hai con chị ở quê đang tuổi ăn học, mỗi tháng cũng phải gửi về quê bằng cả thu nhập của chồng chị.

Năm nay, chị "như mở cờ trong bụng" khi cầm về 8 triệu đồng thưởng Tết. Cùng với gói quà tặng của công ty, chị mua thêm ít bánh kẹo, đồ ăn làm quà biếu Tết gia đình.

Chị nhẩm tính khi về quê sẽ dành một phần biếu bố mẹ, cho con ra chợ sắm quần áo mới và chuẩn bị cái Tết cho cả gia đình. Nên nữ công nhân cũng phải tính toán, chi tiêu thật khéo léo mới không bị thâm hụt tiền.

Đồng lương có hạn, nhiều lúc chị đã tính toán tìm kiếm một công việc bán thời gian có thêm thu nhập, để chi tiêu bớt dè sẻn.

"Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, nên tôi sợ gặp lừa đảo nên không dám buôn bán gì thêm. Tôi thầm nghĩ trong bụng thôi cố làm công nhân, được đồng nào ăn đồng đó. Chứ giờ mà gặp lừa đảo thì cũng trắng tay", chị Hằng cười.

Tranh thủ nghỉ Tết kéo dài, vợ chồng chị mới được quay quần bên gia đình. Nhà xa, chi phí đi lại đắt đỏ, nên chị cũng hạn chế về quê.

Đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm để chị bù đắp tình cảm cho các con. Điều ước năm mới của nữ công nhân chỉ giản đơn là ở quê cũng có khu công nghiệp để được làm gần con, gần nhà.