Công nhân ít làm thêm, doanh nghiệp Âu - Mỹ "ngán" công nhân Việt Nam?
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi lao động giá rẻ, song, ưu thế này cũng không bù lại được những hạn chế về năng suất, trình độ, kỹ năng tay nghề của đội ngũ nhân lực trong nước.
Việt Nam cần nguồn nhân lực có tay nghề cao và DN cần nâng cao năng suất lao động tốt hơn.
Năng suất đã thấp còn thiếu kỹ năng
Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội chiếm được thị phần lớn hơn trong tổng khối lượng sản xuất toàn cầu, khi tại Trung Quốc, chi phí lao động đã tăng lên.
Hiện tại, khoảng 2/3 sản lượng xuất khẩu và 1/2 sản lượng công nghiệp đầu ra của Việt Nam là từ các nhà máy FDI hoặc các nhà máy sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài. Cơ hội mở ra khi các công ty đa quốc gia đều đang tìm kiếm địa điểm sản xuất với chi phí thấp hơn.
Ông Gaurav cho hay, chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, lợi thế này đang giảm đi bởi năng suất lao động còn kém.
Dẫn theo nghiên cứu của Mc Kinsey Global Institute, ông Gaurav nhận xét năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc.
Cụ thể, sản lượng sản xuất bình quân theo đầu người của Việt Nam chỉ đạt 3.800 USD, nhưng ở Trung Quốc là 57.100 USD. Ngoài ra, so với Malaysia có mức năng suất là 33,200 USD/người thì Việt Nam chỉ đáp ứng bằng 14%.
Tương tự, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 18% Thái Lan với 21.000 USD/người, bằng 23% Philippines khi nước này đạt 16.500 USD/người và so với Indonesia, quốc gia có năng suất 14.200 USD/người thì Việt Nam cũng chỉ bằng 26%.
Theo phân tích của ông, thách thức về năng suất lao động này có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam.
Tiểu ban nhóm Công tác giáo dục vào đào tạo của VBF cho biết, vấn đề nhức nhối nhất của Việt Nam là sự thiếu hụt các kỹ thuật viên có đủ năng lực trong khi đây là một yêu cầu cấp thiết cho quá trình công nghiệp hoá.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát hơn 100 doanh nghiệp Nhật cho thấy, 80% doanh nghiệp trả lời rất cần kỹ thuật viên, 89% trả lời sẽ cần kỹ thuật viên trong tương lai.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) lại chỉ ra rằng, hơn 80% các nhà tuyển dụng cho hay những ứng viên cho vị trí chuyên gia và kỹ thuật viên đều thiếu những kỹ năng cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc.
Trong khi đó, người lao động Việt Nam lại bị khống chế giờ làm thêm giờ chỉ trong vòng 200 giờ, ngành đặc biệt thì được phép 300 giờ. Đây là mức thấp hơn mức trung bình của thế giới và mức trung bình giờ làm thêm của các nước châu Á.
Ông Colin Blackwell, Trưởng Tiểu ban nhóm Công tác nguồn nhân lực của Diễn đàn VBF cho biết, khảo sát 400 DN đã cho thấy, 31% DN lo ngại việc giới hạn giờ làm thêm sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất và 13% DN cho rằng, sẽ gây cản trở sản xuất.
"Nếu một nhà máy ở Trung Quốc và Thái Lan có mức làm thêm giờ là 1.872 giờ/năm và Việt Nam chỉ được 300 giờ/năm thì các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc quyết định đầu tư. Chưa kể, khi khống chế thời gian làm thêm thấp sẽ cản trở người lao động muốn tăng thu nhập", ông nói.
Nhóm này đề nghị cần tăng thời gian làm thêm giờ lên thành 800 giờ cho tất cả các ngành công nghiệp và 1.200 giờ cho các ngành công nghiệp đặc biệt.
Đừng ngồi đợi đặt hàng đào tạo nghề
Rõ ràng, Việt Nam cần nguồn nhân lực có tay nghề cao và DN cần nâng cao năng suất lao động tốt hơn.
Nhưng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá, "các chương trình giảng dạy của Việt Nam đã lỗi thời, giáo viên có khả năng nhưng lương được trả chưa tương xứng. Sinh viên ra trường lại thiếu các kỹ năng cần thiết mà các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm”.
Cho đến nay, mô hình hợp tác công - tư đào tạo kỹ thuật viên trình độ cao mới chỉ có dự án của Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Intel của Mỹ.
Đại diện của Tiểu ban Giáo dục và đào tạo cũng dẫn chứng, tại Đức mới đây, thị trường lao động chứng kiến lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ người đạt trình độ bằng cấp cao đã lớn hơn cả người có tay nghề thực tế. Rốt cục, người có bằng cấp cao không có việc làm, đều phải làm trái nghề.
Theo Nhóm công tác Giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo nghề dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng nhu cầu của ngành công nghiệp. Luật Dạy nghề sửa đổi có yêu cầu các DN cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, nhưng ngược lại, các trường cũng cần chủ động tìm hiểu chứ không phải là đợi DN hay Chính phủ đến cung cấp thông tin. Bởi các trường phải là người xác định các kỹ năng cần thiết cho ngành công nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, lao động Việt Nam đang có tới nhiều vấn đề khiến cộng đồng FDI nản lòng. Đó là việc tăng lương tối thiểu hàng năm, giấy phép lao động quy định chặt chẽ.
Có tới 65% DN cho rằng, việc xin cấp giấy phép lao động ở Việt Nam lâu gấp đôi các nước châu Á khác. 47% DN khẳng định các vấn đề trên sẽ làm giảm lợi nhuận của họ, 27% DN đã cho biết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của họ và hơn 8% DN đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang nước khác đầu tư.
Theo Vietnamnet.vn