1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân "chạy đua" khi tới giờ cơm: Người trong cuộc cũng... ngạc nhiên!

Xuân Hinh

(Dân trí) - Mới đây, nhiều video đăng tải hình ảnh công nhân "chạy đua" từ xưởng ra nhà ăn khi đến giờ cơm gây nhiều tò mò. Cảnh chạy bổ "xí phần" như vậy có diễn ra hàng ngày tại các nhà máy, công xưởng?

Xôn xao video "chạy đua" giờ cơm

Công nhân chạy đua khi tới giờ cơm: Người trong cuộc cũng... ngạc nhiên! - 1

Hình ảnh công nhân vội vã chạy đến bàn ăn khiến nhiều người ngạc nhiên.

Những ngày qua, cư dân mạng liên tục chia sẻ, lan truyền những video ghi lại cảnh nhóm rất đông công nhân đổ ào ra từ cửa khu nhà xưởng, chen nhau, cố gắng chạy nhanh đến nhà ăn. Trong video, người xem có thể nghe thấy tiếng chuông, kẻng rất lớn, cùng với đó là màn "chạy đua" của nhóm công nhân lao động. Khi đó, trong nhà ăn, hàng trăm suất cơm đã được đặt sẵn từng hàng dài trên bàn. 

Từ những đoạn clip được chia sẻ, nhiều người bày tỏ sự tò mò về đời sống công nhân, đặc biệt là hình ảnh về thời gian đi ăn ca tại công ty. Video đăng tải đến nay đã nhận được hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận. Đa số bình luận đều bày tỏ sự ngỡ ngàng về cảnh công nhân "chạy đua" để ăn cơm.

Giải đáp những băn khoăn, tò mò của nhiều người, PV Dân trí đã tìm hiểu và trao đổi với các công nhân, đại diện công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai... về việc bố trí giờ ăn, nghỉ với người lao động.

Công nhân chạy đua khi tới giờ cơm: Người trong cuộc cũng... ngạc nhiên! - 2

Các công ty hầu hết đều bố trí giờ ăn, nghỉ cố định cho người lao động (Ảnh: S.P)

Chị Võ Thị Thanh Lan - công nhân Công ty TNHH May thêu Giày An Phước (huyện Hóc Môn, TP HCM) thuật lại lịch trình, 12h tại xưởng sẽ nghe tiếng chuông báo giờ cơm. Sau đó, anh chị em công nhân đi đến nhà ăn bình thường, theo từng nhóm nhỏ. Chị Lan cho biết, hàng ngày chị và các đồng nghiệp đều thong thả di chuyển từ xưởng làm việc sang nhà ăn, không có chuyện chạy đua hay chen lấn nhau. Thông thường, người lao động có 60 phút để ăn uống và nghỉ ngơi buổi trưa. 

Anh Dương Văn Linh - công nhân tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức cũng cho biết công ty anh không thấy hiện tượng "chạy đua" khi tới giờ cơm. Đến giờ là công nhân sẽ tuần tự xuống nhà ăn. Cả xưởng được chia theo ca để ăn trưa nhằm đảm bảo giãn cách phòng dịch, tuyệt đối không có chuyện đua chen, chạy thật nhanh đến nhà ăn.

Anh Linh cười xòa: "Làm công nhân tuy vất vả, thời gian làm việc nhiều nhưng không đến mức "chạy đua" để có cơm ăn. Clip công nhân chạy vội vàng đến bàn ăn chắc chỉ là hy hữu. Mọi người "chạy đua" vậy để tiết kiệm thời gian". 

Vất vả nhưng không "chạy đua" để có cơm ăn

Công nhân chạy đua khi tới giờ cơm: Người trong cuộc cũng... ngạc nhiên! - 3

Công nhân Teakwang Vina thong thả trong giờ ăn trưa (Ảnh: S.P).

Công ty CP Taekwang Vina Đồng Nai có công xưởng rộng lớn với khoảng 36.000 công nhân lao động làm việc. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn phòng dịch, đảm bảo để người lao động ăn trưa, nghỉ trưa đúng giờ, công ty chia theo ca ăn. Giờ cơm trưa của người lao động bắt đầu từ 10 giờ; cứ sau 15 phút sẽ có một nhóm công nhân khác đến ăn, không trùng giờ nhau. 

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty khẳng định, dù là doanh nghiệp đông công nhân nhưng không có tình trạng công nhân "chạy đua" đến nhà ăn. Công ty có gắn đồng hồ điện tử, đến giờ ăn sẽ tự động lên chuông thông báo. Mọi người đến nhà ăn bình tĩnh, tự do, gần tới nơi thì xếp hàng, giữ khoảng cách để lấy đồ ăn và ngồi vào bàn. 

"Mỗi công nhân có 1 giờ để ăn uống và nghỉ ngơi. Thông thường công nhân sẽ ăn trưa hoặc tối trong vòng 15 - 30 phút. Ai cũng có phần cố định của mình nên không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy hay phải tranh nhau để có suất ăn", ông Phúc cho hay.

Công nhân chạy đua khi tới giờ cơm: Người trong cuộc cũng... ngạc nhiên! - 4

Sau thời gian làm việc buổi sáng, mỗi công nhân thường có một giờ để ăn trưa, nghỉ ngơi.

Bà Huỳnh Kim Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tsuchiya Tsco (Khu công nghiệp VSIP Bình Dương) cho biết, bữa ăn ca của công nhân trị giá khoảng 40.000 đồng. Người lao động sẽ ăn cơm theo ca. Ví dụ, công nhân đi làm ca 1 từ 6h sáng thì ăn trưa vào lúc 9h30; ca hành chính ăn trưa lúc 11h… Người lao động khi nghe chuông thì đứng dậy, xếp hàng đến nhà ăn. Mỗi người sẽ cách nhau khoảng nửa mét để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tại đây cũng không có hiện tượng công nhân chạy bổ đến nhà ăn.

Ông Phạm Quang Anh -Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho hay: "Bữa ăn ca của người lao động trị giá 25.000 đồng. 12h trưa, bài hát "Sài Gòn đẹp lắm" vang lên là công nhân biết đến giờ nghỉ trưa. Mọi người đến khu vực của tổ mình nhận cơm theo loại đã chọn trước đó rồi tự sắp xếp chỗ nghỉ trưa ở khu vực làm việc. 13h bắt đầu ca làm chiều. Công ty không xảy ra cảnh chen lấn hay chạy đua đi lấy cơm".

Dương Thùy