Công nhân bỏ việc nhiều: Do nhà ở tại các khu công nghiệp còn bất cập
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đáp ứng nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ đi kèm cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo tại một số địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay trong phát triển khu công nghiệp, việc tạo môi trường sống cho người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Để cải thiện môi trường sống cho họ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đáp ứng nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ đi kèm cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy, phần lớn nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn, thiếu dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp, trong đó mới có 3 khu công nghiệp được lấp đầy. Có khoảng 70 nghìn công nhân lao động muốn có một ngôi nhà riêng. Trong tương lai gần, khi các khu công nghiệp được lấp đầy, lượng công nhân tại tỉnh Hưng Yên sẽ tăng lên rất lớn, khoảng 500 nghìn người, do đó, nhu cầu nhà ở của công nhân sẽ ngày càng lớn hơn.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh cho rằng: Việc huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng nhà ở cho người lao động còn khó khăn, do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi vốn chậm: “Hiện nay nguồn vốn đầu tư cho dự án xây nhà ở cho công nhân lao động còn khó khăn. Như tại Hưng Yên, ngân sách của tỉnh dùng chi cho nhiều việc khác, chưa dùng chi cho xây dựng nhà ở thỏa mãn nhu cầu.
Các nhà đầu tư bất động sản cũng chưa quan tâm bởi thực hiện dự án nhà ở hiệu quả thấp, khó làm. Và khó khăn cả về tập quán sinh hoạt của người lao động và công nhân, họ chưa có tập quán sinh hoạt chung cư văn minh. Từ đó thấy rằng chúng ta cần có hướng di, lộ trình cụ thể. Cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, các cơ quan hữu quan và người lao động”.
Theo nghiên cứu về môi trường sống của công nhân tại 100 khu công nghiệp ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm. Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân.
Sự trì trệ trong việc cải thiện môi trường sống cho người lao động tại các khu công nghiệp khiến cho họ thường xuyên bỏ việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề xã hội.
Ông Kenichi Hashimoto, Chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cho rằng, Việt Nam nên xây dựng nhà ở thấp tầng tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, có những chính sách mới về quy hoạch không gian, thiết kế công trình, thực thi hệ thống pháp lý mới và tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư: “Để tạo lập được khu nhà ở quy mô, đồng bộ với khu vực xung quanh, vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân nên nằm trong bán kính từ 300m đến 500m để công nhân có thể đi bộ tới khu công nghiệp đi làm. Đồng thời, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội gắn kết với khu dân cư và các dịch vụ lân cận.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đứng ra thực hiện dự án và nới lỏng quy định về tỷ lệ diện tích dành cho thương mại 20% như hiện nay. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân hay thuê lại toàn bộ khu nhà cho công nhân thuê”.
Ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ có khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, hiện nay tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm.
Để được mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân người lao động tại các khu công nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách để bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân.
Ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: “Vấn đề mẫu chốt vẫn là tiền lương. Khi quỹ đất có rồi, vốn có rồi, thì vấn đề thu nhập của người lao động như thế nào để có thể thuê hoặc có đủ khả năng thì mua. Tất nhiên chúng ta phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, mà nguồn vốn vay phải dài hạn, lãi suất hợp lý. Các địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nguồn cung”.
Để các khu công nghiệp ở Việt Nam phát triển bền vững, hấp dẫn các nhà đầu tư, thời gian tới các cấp, các ngành cần phải quan tâm phát triển đồng bộ giữa các khu công nghiệp, phải đầu tư khu nhà ở cho công nhân gắn với phát triển đô thị, dịch vụ của khu vực.
Theo VOV.VN