1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nghệ và chuyển đổi số dẫn dắt thị trường việc làm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Tuy nhu cầu tuyển dụng có giảm so với cùng kỳ 2023 nhưng lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường việc làm.

Năm 2024, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ không phát triển quá nóng như giai đoạn 2021-2002, tuy nhiên, các hãng cung ứng nhân sự trung và cao cấp trên thị trường đánh giá ngành này vẫn đang dẫn dắt thị trường việc làm.

Cụ thể, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ vẫn ở mức cao để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ, hành chính.

Bà Trương Thiên Kim, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho rằng: "Chuyển đổi số đã tạo ra sự gia tăng các vai trò liên quan đến công nghệ trong nhiều ngành nghề khác nhau. Nhu cầu cho các vị trí như kỹ sư dữ liệu, kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) và lập trình viên đang ngày càng cao".

Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng dựa trên AI, mối lo ngại về bảo mật dữ liệu cũng gia tăng ở các ngành, đặc biệt là tài chính, kéo theo nhu cầu ngày càng lớn đối với các vị trí chuyên gia an ninh mạng.

Công nghệ và chuyển đổi số dẫn dắt thị trường việc làm - 1

Kỹ sư công nghệ trở thành vị trí quan trọng ở hầu hết các ngành kinh tế (Ảnh minh họa: Trường Thịnh).

Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Navigos Search, cuối năm 2023, ngành công nghệ thông tin toàn cầu trải qua một làn sóng sa thải lớn, với hơn 262.000 nhân sự mất việc, chủ yếu từ các công ty công nghệ lớn như Meta, Google, Amazon, Microsoft…

Nguyên nhân chính là do sự tăng trưởng nóng sau đại dịch Covid-19 dẫn đến việc tuyển dụng quá mức và hoạt động kém hiệu quả.

Còn tại Việt Nam, Navigos Search đánh giá: "Thị trường lao động ngành công nghệ thông tin, viễn thông vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt là đối với nhân sự có kinh nghiệm (chiếm 77,3%)".

Theo Navigos Search, điều này được lý giải bởi nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và sự đầu tư của các dự án nước ngoài vào Việt Nam. Các yếu tố này tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam tiếp tục phát triển.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vào đầu tháng 8, bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC), cũng chia sẻ về khó khăn khi tuyển dụng nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo bà Hoa, hiện công ty đang cần 80 nhân viên sản xuất; 10 chuyên viên phụ trách hệ thống nhúng, ứng dụng di động, kiểm thử phần mềm, trải nghiệm người dùng, đồ họa. Đây là những lĩnh vực cạnh tranh cao với các công ty công nghệ trong khu vực TPHCM nên rất khó tuyển.

Một lĩnh vực công nghệ khác đang tạo sức hút cực lớn trên thị trường lao động là công nghệ bán dẫn. Theo Adecco Việt Nam, nguồn vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn khổng lồ như Intel, Samsung và Qualcomm đã thúc đẩy cơ hội việc làm trong ngành công nghệ bán dẫn.

Đơn vị này đánh giá: "Các vị trí trong thiết kế chip bán dẫn đang được săn đón sôi nổi, tạo ra "cuộc chiến" giành nhân tài giữa các doanh nghiệp toàn cầu và nước ngoài trên thị trường Việt Nam, với nhu cầu rất cao đối với các kỹ sư lành nghề".

Do đó, các hãng cung ứng nhân lực trung và cao cấp nhận định công nghệ và chuyển đổi số vẫn đang dẫn dắt thị trường lao động tại Việt Nam, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường việc làm. Để phát triển tốt trong tương lai, lao động Việt cần phải nắm bắt cơ hội trong giai đoạn chuyển đổi này.