Công khai 3 số điện thoại tiếp nhận phản ánh về hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - “Kinh nghiệm từ việc tổng rà soát chính sách cho thấy, vai trò giám sát của nhân dân rất quan trọng. Cơ sở làm đúng hay sai, nhân dân đều biết cả, vấn đề là cần tạo điều kiện để người dân phản ánh…’

Tăng cường công tác giám sát việc hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Clip: Quân Đỗ)

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội.

Công khai 3 số điện thoại

Bên cạnh việc đánh giá cao công tác kiểm soát có hiệu quả sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ thông qua Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng ngành LĐ-TB&XH và các ngành có liên quan phải phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, thống kê, giám sát triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Công khai 3 số điện thoại tiếp nhận phản ánh về hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng - 1

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. (Ảnh: Quân Đỗ)

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá: “Gói hỗ trợ 62.000 tỷ động cần được triển khai kịp thời, đúng đối tượng không xảy ra bất cứ trường hợp nào có tiêu cực ở các cấp, các ngành, các địa phương. Thực tế cho thấy nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm và khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn quy định”.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc công khai 3 số điện thoại của trưởng ban phong trào, trưởng ban dân chủ pháp luật, trưởng ban tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận góp ý phản ánh của nhân dân. 

Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ trị giá hơn 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ sẽ hướng tới 7 nhóm đối tượng với khoảng 20 triệu người dân

“Cần xác định rõ trách nhiệm từ ban đầu trong việc ký văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận. Đặc biệt cần nêu cao trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận của công đoàn, đoàn thanh niên” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết.

Hỗ trợ từ tháng 4/2020

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, hơn 1,44 triệu nhóm người dân sẽ nhận hỗ trợ hơn 3.500 tỷ đồng nhằm khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Trong các nhóm nhận hỗ trợ, đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội đã được lên danh sách chi trả từ trước nên có thể triển khai ngay cuối tháng 4.

Ông Ngô Văn Quý đề xuất: "Hà Nội có hơn 850.000 người lao động tự do thuộc diện nhận hỗ trợ với kinh phí triển khai hơn 2.500 tỷ đồng. Do đó, Hà Nội kiến nghị được ủy quyền cho UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách nhằm đẩy nhanh việc hỗ tới người lao động”.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, từ ngày 27/3, TP HCM đã thực hiện chính sách hỗ trợ hơn 100.000 lao động với tổng kinh phí 306 tỷ đồng.

Trong tháng 4, TPHCM đã hoàn thành việc hỗ trợ hơn 18.700 người bán vé số dạo do phải ngừng việc từ 1-15/4, với số tiền khoảng 13 tỷ đồng.

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, TPHCM tiếp tục thực hiện hỗ trợ khoảng 570.000 người thuộc 5 nhóm đối tượng là người có công, hộ nghèo và cận nghèo, bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng, lao động ngừng việc, lao động không có ký kết hợp đồng lao động. Ước tính số kinh phí sẽ khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục chi hỗ trợ đến người dân vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Với nhóm hộ kinh doanh và người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc sẽ chi hỗ trợ xong vào giữa tháng 5.

Đề xuất Mặt trận Tổ quốc VN các cấp tham gia từ đầu quy trình rà soát, thống kê 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các chính sách kinh tế xã hội. Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN cho phép, Mặt trận Tổ quốc các cấp cơ sở và đoàn thể được tham gia từ giai đoạn đầu trong việc rà soát lên danh sách, không chờ khi lập xong danh sách rồi mới giám sát.

Hoàng Mạnh