Công đoàn cùng doanh nghiệp ổn định đời sống người lao động

(Dân trí) - Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức toạ đàm Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định đời sống, việc làm của người lao động.

Sáng ngày 17/9, tại UBND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm "Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển, sản xuất kinh doanh ổn định đời sống, việc làm của người lao động".

Chương trình có sự góp mặt của đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, các ban ngành huyện Hoài Đức cùng đông đảo doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội.

Công đoàn cùng doanh nghiệp ổn định đời sống người lao động - 1

Bà Bùi Huyền Mai - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các cấp công đoàn.

Doanh nghiệp gắng gượng

Nhằm làm rõ về sự tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động hiện nay, để có hướng đồng hành, hỗ trợ kịp thời và đúng đắn.

Đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị, bà Trần Thị Hồng Tươi - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Việt Nam  Woosung - chia sẻ sự tác động của dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động của công ty.

Bà Trần Thị Hồng Tươi cho biết: “Trước sự ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 công ty chúng tôi đã cố gắng hết sức để có đơn hàng, đảm bảo 100% giờ làm và đồng lương của người lao động”.

Cũng theo bà Trần Thị Hồng Tươi, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, công ty đã tổ chức các biện pháp phòng dịch cho người lao động như phun thuốc khử khuẩn, phát khẩu trang cho công nhân lao động trong công ty, thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày,…giúp công nhân yên tâm sản xuất.

“Ngoài ra, để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, công ty thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua như, lao động giỏi, lao động sáng tạo, công nhân giỏi việc nước đảm việc nhà với những cơ cấu giải thưởng lớn” - bà Tươi cho biết thêm.

Cùng tham luận tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Lương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần quốc tế TIC cho rằng đại dịch Covid- 19 đã tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Với đặc thù các lĩnh vực của công ty như du lịch, giảng dạy nghề, xuất khẩu lao động,… đều là những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi rất cố gắng để giữ lại lao động, đảm bảo thu nhập cho lao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng”.

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Lương đề xuất được giảm, giãn tiến độ nộp thuế, giảm lãi suất ngân hàng, cũng như tăng cường đào tạo nghiệp vụ công đoàn và luật pháp liên quan đến người lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Công đoàn cùng doanh nghiệp ổn định đời sống người lao động - 2

Buổi toạ đàm có đông đảo các đại diện doanh nghiệp tham dự

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn - Giám đốc Công ty CPXD Thăng Long - cho biết: “Dịch bệnh khiến công ty giảm 30% doanh thu. Đời sống của người lao động trong công ty bị ảnh hưởng không nhỏ khi phải dừng công việc trong vòng 1 tháng”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn đề xuất đến Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, quan tâm nhiều hơn đến các cấp công đoàn cơ sở. Đồng thời, đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ, xem xét hỗ trợ giãn bảo hiểm y tế, giảm thuế thuê đất,…tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi sau dịch để có việc làm ổn định cho người lao động.

Người lao động gặp khó do Covid-19

Thay mặt đại diện công đoàn cấp trên cơ sở phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Khuất Trọng Kiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức cho biết:  “Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn có ít nhất 7 doanh nghiệp và 5 nhà trường ngoài công lập ngừng hoạt động từ 1-3 tháng. Hơn 1.700 đoàn viên, công nhân lao động ở 127 công ty, doanh nghiệp, trường dân lập đã phải tạm ngưng làm việc và làm việc bán thời gian luân phiên. Tiền lương, thưởng, giảm ảnh hưởng lớn đến đời sống việc làm”.

Công đoàn cùng doanh nghiệp ổn định đời sống người lao động - 3

Hội nghị nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và công đoàn các cơ sở

Theo ông Kiên, trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có trên 3.000 doanh nghiệp và hơn 10.000 hộ kinh doanh cá thể đang gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Trước thực trạng trên, ông Khuất Trọng Kiên kiến nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức quan tâm sát sao hơn đặc biệt về tiến độ nộp thuế, tạo điều kiện tiếp cận những gói vay ưu đãi để sớm ổn định sản xuất.

Bà Bùi Huyền Mai - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội - đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các cấp công đoàn.

“Chúng tôi cho rằng, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở rất sát với thực tế, tạo tiền đề để Liên đoàn Lao động đánh giá toàn diện về thực trạng đời sống, việc làm của người lao động hiện nay để cùng đồng hành, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19” - Bà Bùi Huyền Mai cho biết.

Công đoàn cùng doanh nghiệp ổn định đời sống người lao động - 4

Bà Bùi Huyền Mai - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Bùi Huyền Mai giao nhiệm vụ cho các cấp công đoàn cơ sở đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Đối với khối doanh nghiệp, thực hiện theo phương hướng linh hoạt, hiện đại và đặt mục tiêu vì người lao động lên hàng đầu.

“Các phong trào triển khai một cách thực chất, giảm thiểu tính hình thức và không hành chính hóa các hoạt động của công đoàn. Công đoàn cơ sở tham gia có trách nhiệm trong việc xây dựng nội quy lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đặc biệt là vấn đề thương lượng để xây dựng thang bảng lương của doanh nghiệp” - bà Bùi Huyền Mai cho biết thêm.