Công cán nước ngoài, chưa chắc đã sướng!
Bạn vừa được đề cử đi làm việc ở nước ngoài trong 2 năm với mức lương hấp dẫn. Bạn sướng rơn người, gật đầu vội vàng khi sếp hỏi ý kiến. Alê hấp, hình như bạn vừa chui vào rọ. Nghĩ lại đi, công cán nước ngoài chưa chắc đã sướng như bạn tưởng.
Khó khăn ở nước bạn
Tất nhiên là bạn chỉ có một mình. Công việc một mình bạn gánh, có khó khăn gì một mình bạn “hưởng”. Tất nhiên nếu xảy ra sai sót một mình bạn chịu. Có thể bạn có thêm một vài “đồng minh” đi cùng đợt, nhưng họ cũng như bạn thôi, đang ngơ ngác ở xứ lạ, chẳng giúp được nhiều đâu.
Chưa kể những khó khăn về ngôn ngữ, văn hoá. Sau công việc, bạn sẽ rất cô đơn đấy.
Người dân bản xứ có thích bạn không, một người châu Á? Điều này có lẽ phải phụ thuộc vào bạn thôi. Nếu bạn không có khả năng giao tiếp và không thạo tiếng thì khó đấy.
Những khó khăn khi về nước
Trở về từ nước ngoài, bạn sẽ gặp phải 3 khó khăn: khó khăn về tài chính cá nhân; khó khăn khi phải tự điều chỉnh để thích hợp với cơ cấu của công ty mẹ ở nhà và khó khăn khi phải điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống gia đình.
Khi về nước, rất có thể những người ngang hàng với bạn trước đây nay đã được thăng cấp, người khác đang đảm nhiệm vị trí cũ của bạn. Cũng rất có thể bạn phải làm “tạm” một công việc khác mà bạn không thích.
Nếu bạn là người có gia đình thì khó khăn có thể phát sinh do sự thay đổi về thu nhập. Tại quê nhà hầu như mọi thành viên trong gia đình bạn đều có việc làm, nhưng khi chuyển ra nước ngoài thì vợ hay chồng của bạn sẽ không có việc làm. Ở nước ngoài, gia đình bạn có thể sống đầy đủ do mức lương cao, nhưng khi về nước sẽ khó khăn vì phải “làm lại từ đầu”.
Sự nghiệp có thể bị ảnh hưởng
Đừng nghĩ những kinh nghiệm quốc tế có thể giúp bạn phát huy sự nghiệp ở nước ngoài. Rất nhiều người khi về nước không nhận được sự tin tưởng, trọng dụng như ngày trước. Hơn nữa, trong thời gian bạn đi vắng, bạn có thể đã bỏ phí nhiều cơ hội tốt. Có thể vị sếp “hợp cạ” với bạn đã chuyển đi, thay vào đó là một ông quản lý hoàn toàn mới, chẳng hề biết gì về năng lực của bạn.
Những công ty quan tâm đến hoạt động quốc tế như Microsoft, General Motors, Ford... đã tách biệt các hoạt động trong nước và nước ngoài nếu hoạt động ở trong nước thành công thì ít có sự xáo trộn nhân sự và những nhân viên có kinh nghiệm hoạt động quốc tế ít được thăng tiến.
Phó Giám đốc Ford Motor, John Peterson nói rằng: “Đối với phần lớn vị trí nhân viên cấp trung và cao hơn cấp trung ở Ford, những nhiệm vụ ở nước ngoài có tác động xấu đến sự nghiệp của họ”.
Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân: Chỗ làm cho những nhân viên hồi hương cũng giống như lần đầu tiên họ xin việc làm khi mới tốt nghiệp đại học.
Đâu là sự đền bù khi bạn xa xứ?
Bạn có thể không chấp nhận làm việc ở nước ngoài nếu không được thăng chức hoặc thăng chức mà không được tăng lương. Bạn có thể căn cứ vào quy mô công việc để yêu cầu có được sự “bù đắp xứng đáng” khi bạn chuyển sang làm việc ở một quốc gia khác.
Nếu bạn làm việc tại các khu vực hẻo lánh
Nhiều dự án quốc tế có quy mô lớn được thực hiện ở những vùng xa xôi hẻo lánh, đến nỗi nhiều người không chấp nhận thuyên chuyển đến đó nếu công ty không thiết lập môi trường sống tương tự như môi trường trong nước. Để có thể thu hút lượng người cần thiết đến đây, nhiều công ty đa quốc gia thường sử dụng người chịu làm việc trong một thời gian dài với mức lương cao. Nếu bạn thật sự cần tiền thì hãy chấp nhận làm việc như vậy.
Nếu bạn xác định gắn bó cả sự nghiệp của bạn tại một công ty thì khi được cử đi làm việc ở nước ngoài, cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi rất có thể bạn sẽ “thua thiệt” khi hồi hương.
Theo Doanh nghiệp Sài Gòn