Công an hướng dẫn 5 đặc điểm nhận diện “công an dỏm”

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện tình trạng kẻ lừa đảo giả danh công an để thực hiện hànhvi phạm tội như lừa tình, lừa tiền, chiếm đoạt tài sản người dân và du khách nước ngoài. Những vụ việc này không chỉ gây hoang mang trong dư luận, mà còn gây hiểu nhầm, làm xấu hình ảnh CAND.

Truy lùng kẻ giả danh công an cướp tài sản người nước ngoài Sập bẫy ‘đại tá’ công an... dỏm Một người nước ngoài giả danh công an lừa đảo

Trao đổi với PV, Thượng tá Phạm Xuân Thao (Phó Trưởng Công an quận 4, TP HCM) chia sẻ với bạn đọc những đặc điểm để nhận diện công an thật, công an dỏm.

Không yêu cầu dân giao tài sản

Bùi Đình An giả danh công an chiếm đoạt tài sản gây chấn động dư luận 2013 và tang vật vụ án công an thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa
Bùi Đình An giả danh công an chiếm đoạt tài sản gây chấn động dư luận 2013 và tang vật vụ án công an thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa

Một trong những thủ đoạn của bọn lừa đảo giả danh công an thời gian gần đây là thường yêu cầu người dân giao tài sản cho mình để kiểm tra rồi rồ ga tẩu thoát. Trong khi “công an không được quyền tự ý mở, chiếm dụng tài sản, phương tiện của người dân”.

Chẳng hạn, mới đây ngày 29-5, khi đang đi bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 6, quận 3), anh Shinya Urabe (quốc tịch Nhật Bản) gặp một thanh niên đi xe máy không rõ lai lịch chặn lại, tự xưng là công an.

Người này yêu cầu anh về trụ sở làm việc. Khi đến trước số 9B Võ Văn Tần (đối diện Công an phường 6, quận 3), anh Shinya Urabe được yêu cầu đưa túi xách bên trong để kiểm tra. Vừa nhận được túi xách, người này vội vàng rồ ga bỏ chạy. Anh Urabe cho biết trong túi xách của anh có 2,7 triệu đồng, một hộ chiếu và điện thoại di động iPhone 6.

“Công an tuần tra có quyền yêu cầu người dân dừng xe, mở cốp xe, túi xách, ba lô, lộn trái túi quần, áo để kiểm tra có giấu chất cấm, hung khí hay không. Nhưng những hành động trên phải là người dân tự mở. Trường hợp người dân không xuất trình được giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, giấy tờ xe… theo yêu cầu và cũng không có tang vật, bằng chứng phạm tội thì người dân cũng phải là người điều khiển phương tiện đi theo hoặc có lực lượng an ninh ngồi sau về tại trụ sở công an làm việc (tránh trường hợp tẩu thoát)".

Giấy tờ, thẻ ngành công an

Một trong những đặc điểm quan trọng để phân biệt công an thật và công an dỏm là giấy tờ, thẻ ngành công an.

Công an đi tuần tra mặc quân phục hoặc có thể không mặc quân phục (là công an mật phục đang làm nhiệm vụ) nhưng đều phải có thẻ ngành và giấy tờ để chứng minh mình là ai.

Trường hợp công an mật phục, trước khi bắt người hay yêu cầu dừng xe kiểm tra đều xuất trình những giấy tờ này từ trước.

Trường hợp công an mặc trang phục ngành, nếu người dân nghi ngờ yêu cầu kiểm tra thì phải xuất trình được giấy tờ để chứng minh chứ không được nói miệng. “Xưng danh công an, trinh sát hình sự… đang mặc trang phục ngành mà không xuất trình được thẻ ngành hay giấy tờ chứng minh mình là ai, công tác tại đơn vị nào, chỉ nói suông thì người dân có quyền nghi ngờ”.

Không đi tuần tra một mình

Công an đi tuần tra không đi một mình mà đi theo nhóm, đội. Trong khi những vụ việc giả danh công an gần đây, kẻ lừa đảo thường đi một mình.

Việc kiểm tra giấy tờ diễn ra rất nhanh, có giấy tờ đầy đủ, cảnh sát tuần tra sẽ trả giấy tờ ngay lúc đó để người dân tiếp tục di chuyển, làm việc.

Phân biệt dựa vào tác phong, hành động

Tác phong của người công an, cảnh sát không chỉ hình thành trong ngày một, ngày hai mà là cả quá trình. Chẳng hạn, công an dỏm thường có biểu hiện như: cặp mắt dáo dác vì sợ bị phát hiện, tay chân lóng ngóng, trong lời nói luôn yêu cầu người dân giao tài sản... Chỉ cần là người dân lương thiện, bình tĩnh chú ý, đối phó thì những kẻ lừa đảo sẽ lộ nguyên hình.

Không gian, thời gian

Kẻ lừa đảo mạo danh công an thường lợi dụng địa điểm, không gian là nơi vắng vẻ, đêm khuya, hiếm người qua lại. Địa điểm chúng yêu cầu người dân giao tài sản để chiếm đoạt có thể bất cứ đâu, thậm chí ngay đối diện cổng công an phường để tạo niềm tin cho con mồi. Đối tượng chúng nhắm đến là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, cặp tình nhân…

Là người dân lương thiện, đi về trên đường vắng vẻ, đêm khuya mà đột ngột bị “công an” yêu cầu dừng xe kiểm tra thì phải nghi ngờ. Trong trường hợp này, người dân có thể nhờ sự hỗ trợ của người đi đường hoặc lực lượng công an, cảnh sát tuần tra”.

“99% đối tượng bị công an yêu cầu dừng xe, kiểm tra đột xuất đều có vấn đề. Không phải ngẫu nhiên giữa hàng trăm, hàng ngàn người đang lưu thông trên đường, công an chỉ kiểm tra một người.

Cặp mắt nghiệp vụ của ngành công an được đào tạo từ trên ghế nhà trường và quá trình thực tiễn có thể nhận biết những kẻ phạm tội: lừa đảo, buôn bán chất cấm,… mà người thường khó phân biệt được. Rất nhiều lần kiểm tra đột xuất, Công an quận 4 đã ngăn chặn thành công những vụ buôn bán ma túy, thanh toán lẫn nhau… trước khi sự việc này diễn ra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trường hợp là người dân bình thường đã xuất trình đầy đủ giấy tờ: chứng minh thư nhân dân, giấy tờ xe… mà vẫn bị làm khó thì người dân phải đề cao cảnh giác, yêu cầu được về trụ sở công an gần nhất để làm việc. Người dân tuyệt đối không được giao tài sản, phương tiện”.

Theo Nguyễn Trà/Báo PL TP.HCM