Có thể giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 hoặc 10 năm

(Dân trí) - “Việc điều chỉnh số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 hoặc 10 năm để hưởng chế độ hưu trí, sẽ giảm thiệt thòi cho người lao động. Nhiều quốc gia phát triển cũng đã quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 10 năm như Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định trước câu hỏi về xu hướng điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH thấp hơn hiện hành, tại Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội. Chương trình do Báo điện tử Đảng cộng sản VN thực hiện sáng 13/7 tại Hà Nội.

Quy định điều chỉnh thời gian đóng BHXH là một nội dung trong Nghị quyết số 28/NQ-TW về sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.

Theo đó, người lao động để được hưởng chế độ hưu trí có thể chỉ cần đóng BHXH trong 10 hoặc 15 năm, thay vì 20 năm như quy định hiện hành.


doan mau diep

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Luật BHXH năm 2014 đang quy định thời gian tối thiểu 20 năm tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Điều này gây trở ngại nhất định cho việc mở rộng đối tượng bao phủ của BHXH”.

Theo đó, người lao động cần phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là tuổi đời và thời gian tối thiểu tham gia BHXH mới có thể được hưởng lương hưu hàng tháng.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích: “Trên thị trường lao động, nhiều lao động ở độ tuổi 40-45 mới bắt đầu tham gia BHXH. Nếu theo quy định 20 năm như hiện nay, họ sẽ không đủ thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí. Vì thế mong muốn được tự đảm bảo an sinh của họ thông qua chế độ hưu trí là không đạt được”.

Thậm chí còn ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội của họ đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội đang hướng tới việc người hưu trí có thể tự đảm bảo an sinh xã hội cho mình thay vì phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

Hậu quả của việc kéo dài thời gian tham gia BHXH tới 20 năm cũng khiến gia tăng đối tượng nhận BHXH một lần.

“Quy định thời gian tham gia tối thiểu dài tới 20 năm cũng làm cho người lao động không muốn bảo lưu thời gian tham gia BHXH. Thay vào đó, họ chọn phương án nhận BHXH một lần” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

“Hiện nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực cũng đã quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 10 năm như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù trước đây, họ cũng quy định điều kiện 20 năm đóng BHXH như Việt Nam” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Điều này cũng là lý giải con số khảng 600.000 lao động hàng năm đã lựa hưởng BHXH một lần thay vì tiếp tục theo đuổi quá trình dài đóng góp để được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động.

Phân tích về phương án đóng BHXH thời gian ngắn theo tinh thần của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Thực ra quy định 10 năm hay 15 năm không hề ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ như nhiều người lo ngại, vì nguyên tắc BHXH là mức hưởng được tính toán phù hợp với mức đóng và thời gian đóng”.

Dự kiến, mức hưởng theo cách đóng mới sẽ được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Cá nhân tôi thì cho rằng có thể chuyển ngay xuống 10 năm”.

Phân tích thêm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Việc điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 hoặc 10 năm sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu về mở rộng diện bao phủ BHXH”.

Đồng thời, quy định mới còn đảm bảo cho nhiều người lao động có cơ hội và điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng thay cho việc lựa chọn BHXH một lần, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân.

Hoàng Mạnh